Vào khoảnh khắc giao thừa, chuyển giao năm mới, khi người người trở về nhà sau những tràng pháo hoa vang trời, những nữ lao công Thủ đô lại tất bật dọn dẹp để sớm tan ca, trở về nhà bắt đầu sắp lễ cúng giao thừa.
Chị Ngô Thị Quang - tổ trưởng tổ môi trường 5, Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội – chi nhánh Đống Đa vừa tròn 20 năm gắn mình với công việc vệ sinh môi trường.
Cũng từng ấy thời gian, chị Quang đón giao thừa ở ngoài đường với vô số kỷ niệm đáng nhớ. Năm nay, tảng sáng ngày đầu tiên của năm mới (Mồng 1), chị Quang tất tả trở về nhà để cùng gia đình đón năm mới sau ca làm việc bận rộn.
Chị Quang chia sẻ: "Với mọi người, niềm hạnh phúc, niềm vui là được đoàn tụ và cùng gia đình, người thân đón chào khoảnh khắc bước vào năm mới nhưng với những người công nhân vệ sinh môi trường như chúng tôi, điều đó niềm ao ước. Bởi công việc này luôn thiếu nhân sự mà sau khoảnh khắc bắn giao thừa, sự bộn bề như nhân lên gấp bội".
Cũng như mọi năm, năm nay, chị Quang được phân công nhiệm vụ làm thu gom rác tại khu vực bán đảo hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa). Đây là điểm tổ chức bắn pháo hoa đón chào năm mới nên cảm xúc của chị Quang cũng như những nhân viên môi trường khác làm nhiệm vụ tại đây, cảm xúc đặc biệt chưa bao giờ bị xóa nhòa.
Chị Quang kể: "Từ thời điểm chính thức giao thừa đến 0h30 phút, chúng tôi không ai được cầm chổi, xẻng. Bởi cầm dụng cụ vệ sinh là đồng nghĩa với xông đất sớm. Do đó, thời gian đừng tạm ngưng công việc này, tôi được cùng hàng ngàn người dân Thủ đô khác xem bắn pháo hoa và năm nào cũng vậy, cứ pháo hoa bắn xong, người người bắt đầu trở về nhà thì chúng tôi tiếp tục công việc".
Theo chị Quang, từ khoảng khắc kết thúc bắn pháo hoa trở đi, công việc của chị là dọn dẹp xác pháo, thùng pháo để đưa đến điểm tập kết để chuyển đi. Xong xuôi, chị Quang tiếp tục công việc quét dọn đường phố đến khi sạch sẽ, trở về nhà đoàn tụ với gia đình, đón năm mới cùng người thân cũng là lúc hơn 3h sáng.
Chị Quang cho biết, trong 20 năm đón giao thừa ngoài đường, chỉ có một năm duy nhất chị Quang được đón Tết ở nhà cùng người thân. Đó là vào năm 2007, khi đang tất bật vệ sinh ở lề đường Nguyễn Chí Thanh thì chị Quang đã bị một thanh niên ngủ gật tông gãy chân.
"Tôi nhập viện cấp cứu và tạm nghỉ 11 tháng, đến bây giờ, chiếc đinh đóng ở chân vẫn còn nguyên vẹn. Thỉnh thoảng, do ảnh hưởng của thay đổi thời tiết, chân tôi lại nhức mỏi, buốt từ bên trong", chị Quang cho hay.
Tương tự chị Quang, chị Nguyễn Ngọc Anh (31 tuổi, quê ở Hải Dương) cũng có "thâm niên" 8 năm gắn bó với công việc vệ sinh môi trường. Cũng ngần ấy thời gian, chị Ngọc Anh chưa được trở về quê đón giao thừa cùng gia đình, người thân.
Chị Ngọc Anh cho hay: "Tết năm nào cũng vậy chồng tôi lại đưa con về quê. Còn tôi thì vẫn tiếp tục công việc như những ngày thường. Vào ngày này được đi làm còn đỡ buồn chứ ở nhà trọ buồn tủi, nhớ nhà, cảm giác khó tả lắm".
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ, chị Ngọc Anh kể: "Giao thừa năm 2020, khi đang vệ sinh thì cơn mưa đá dội xuống. Tôi không kịp chạy nên người út sũng. Vừa ướt vừa lạnh, cảm giác đến bây giờ tôi không thể quên".
Theo chị Ngọc Anh, công việc có nét đặc thù, đặc biệt, bởi vậy, dù vất vả, tất bật xuyên đêm, nhất là những ngày Lễ, Tết, nhưng chỉ cần nhận được những lời sẻ chia, động viên của người thân, người dân, chị Ngọc Anh và hàng trăm công nhân môi trước khác như được tiếp thêm động lực.