Doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam gặp vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận tài chính. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp này đóng góp 20% doanh thu toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam và 70% GDP Việt Nam.
Tại tọa đàm "Đổi mới Dịch vụ và Sản phẩm Tài chính Ngân hàng dành cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội sáng 24/7, nhiều chuyên gia nhận định, phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là khách hàng tiềm năng nhưng chưa được khai phá hoàn toàn bởi các công ty, tổ chức tín dụng.
Tháng 6/2024, dữ liệu và mô hình đánh giá rủi ro của Fiin Group ghi nhận tổng 31.773 doanh nghiệp SMEs chưa được tiếp cận vốn vay mặc dù mức độ rủi ro là thấp và rất thấp.
Khẳng định đây là "bài toán của ngân hàng và tổ chức tín dụng để tiếp cận doanh nghiệp SMEs", bà Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên gia tới từ tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), đã đưa ra tổng quan thị trường các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, gợi ý những giải pháp để có thể giúp các doanh nghiệp SMEs vay vốn dễ dàng hơn.
Về bản chất, các tổ chức tài chính không được phép huy động vốn từ dân. Vì thế, bà Huyền cho rằng quy định về an toàn sẽ thấp hơn so với ngân hàng.
Bởi ngân hàng huy động tiền gửi từ dân nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đảm bảo quyền lợi của nguồn tiền. Vì vậy, quy định về an toàn với ngân hàng thương mại sẽ cao hơn rất nhiều tổ chức cho vay không nhận tiền gửi.
Ở Việt Nam, những tổ chức tài chính như vậy được gọi là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, phân chia thành nhiều phân khúc khác nhau.
Trong tổng số 26 công ty tài chính tại Việt Nam, có 16 công ty tài chính tiêu dùng và 10 công ty cho thuê tài chính. Trong 10 công ty cho thuê tài chính có khoảng 8 công ty đang hoạt động, bà Huyền cho biết.
Đặc biệt hơn, "không có công ty nào tập trung cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Đối với các công ty cho vay tài chính tiêu dùng, họ có điểm giới hạn tới từ NHNN. Trong giấy phép của họ, khoản cho vay doanh nghiệp SMEs không được vượt quá 30% tổng dư nợ. Thông thường, 70% dư nợ còn lại sẽ tập trung khách hàng cá nhân.
"Đối với các công ty đó, hạn mức 30% là quá nhỏ. Tệp khách hàng của họ (doanh nghiệp SMEs) tham gia vào chuỗi cung ứng trong ngành thì cần hạn mức lớn hơn nhiều" – Bà Huyền khẳng định dư địa tăng trưởng dư nợ tín dụng ở phân khúc SMEs còn lớn.
Theo đó, IFC kết hợp với World Bank Group đã đưa ra ý kiến với NHNN nhằm nâng cao hạn mức dư nợ lên và đang được xem xét.
"Hy vọng trong tương lai, một vài tháng đến 1-2 năm tới các tổ chức tín dụng phi ngân hàng tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi sẽ có những buổi trao đổi chính sách với NHNN để giúp các công ty tài chính phát triển tại Việt Nam, nâng cao giá trị vay dành cho doanh nghiệp SME", bà Huyền cho biết.
Đồng thời, bà Huyền bày tỏ hy vọng Bộ tài chính và NHNN có những trao đổi, ký kết để chứng khoán hóa các khoản phải thu được hình thành và phát triển. Điều này cũng đẩy nhanh quá trình thoái vốn của ngân hàng.
Để ủng hộ luận điểm này, bà Huyền cho biết cũng đã lắng nghe ý kiến từ các ngân hàng thương mại Việt Nam mong muốn có cơ hội thoái vốn, giải ngân.
Sau khi ngân hàng ký hợp đồng vay. Sau đó, ngân hàng này có thể đem hợp đồng vay đó bán luôn sang ngân hàng khác.
Ngoài ra, bà Huyền cho biết ở Việt Nam đã có Thông tư về bán nợ nhưng thực tế, thông tư này vẫn chưa vận hành được nhiều.
Bà Huyền bày tỏ, hiện tại số lượng các ngân hàng và tổ chức không nhận tiền gửi tại Việt Nam còn hạn chế. Lấy ví dụ từ các nước, Mỹ có 5.177 ngân hàng và các tổ chức không nhận tiền gửi. Hay tại Mông Cổ, một nước đang phát triển có 530 các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi.
Hồi tưởng lại năm 2005, bà Huyền chia sẻ thêm: "Lúc đó, trên thị trường Việt Nam có hơn 90% các khoản vay dựa trên tài sản đảm bảo là bất động sản.
Tuy nhiên sau khi IFC thay đổi và đưa ra giải pháp mới cùng với những buổi chia sẻ và hướng dẫn chuyển từ cho vay bất động sản sang động sản.
Kết quả, tính đến nay đã có trên 30% các khoản vay bảo đảm bằng động sản. Tài trợ vốn có bảo đảm là động sản chính là Quy trình chuyển hóa tài sản hay tiền mặt".