Chuyên gia khuyên sử dụng lá bạc hà, giấm táo và bồ kết, những nguyên liệu có sẵn trong căn bếp gia đình, có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm xoang mùa lạnh.
Thời điểm chuyển mùa từ nóng sang lạnh được xem là một trong trong những nỗi sợ đối với không ít người gặp vấn đề về hô hấp, đặc biệt là viêm mũi, viêm xoang. Cảm giác tắc, ngạt mũi dễ gây khó chịu, bất tiện đối với người bệnh.
Theo bác sĩ Hoa, chuyên gia y học cổ truyền, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe, có ba nguyên liệu sẵn trong căn bếp có thể giúp giảm tình trạng viêm xoang vào mùa lạnh, bao gồm:
1. Lá bạc hà
Trong Đông y, bạc hà có vị cay, tính mát, không độc, chữa trị cảm mạo, tán phong nhiệt, chữa sốt, nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. Lá bạc hà thường được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp như ngạt mũi, sổ mũi, viêm mũi. Menthol chứa trong bạc hà được coi là thuốc chống viêm mũi cực tốt, đặc biệt hương thơm của chúng giúp giảm ngạt mũi, sổ mũi hiệu quả.
Cách dùng:
- Sổ mũi, đặc biệt là sổ mũi có kèm nhức đầu, đau nhức chân tay, sốt nóng, sốt rét: Bạc hà khô 5 g, cúc hoa vàng khô 10 g, kinh giới khô 5 g, kim ngân khô 15 g đem sắc thuốc rồi chia 2 lần uống trong ngày trước khi ăn.
- Viêm xoang, viêm mũi: Sử dụng lá bạc hà tươi đun nước để xông mũi cũng giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi hiệu quả nhờ việc hít hà hơi bạc hà nóng bốc lên.
- Viêm mũi dị ứng: Hoàng liên và hoàng bá - mỗi vị 12 g, bạc hà 4 g, chi tử 4 g dạng khô, cho vào nồi, đổ thêm 3 chén nước và sắc kỹ đến khi chỉ còn một chén, chia làm 2 lần uống trong ngày.
2. Giấm táo
Giấm táo là sản phẩm chứa nhiều dưỡng chất có lợi, nếu được sử dụng một cách hợp lý sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng tránh nhiều bệnh theo mùa.
Người Nhật thường sử dụng giấm táo pha với mật ong để làm giảm độ chua của giấm. Hơn nữa với sự kết hợp này, hiệu quả của giấm táo sẽ tăng lên, có tác dụng điều trị không ít căn bệnh thường gặp.
Cách dùng:
Sử dụng 2 muống nhỏ giấm táo, 2 muỗng nhỏ mật ong, 1 giọt dung dịch iốt lugol, hoà chung trong ly nước, uống trong bữa ăn. Uống đều từ 1-3 tuần. Cần lưu ý do giấm táo có vị chua và nồng độ axit, những người có tiền sử đau dạ dày, bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc đang dùng một số loại kháng sinh kỵ môi trường axit... không nên dùng bài thuốc này.
3. Quả bồ kết
Trong Đông y, bồ kết có vị cay, mặn, tính ôn, hơi có độc, đi vào các kinh phế và đại tràng. Khi bị ngạt mũi, cảm cúm có thể sử dụng bồ kết đốt để ngửi sẽ có tác dụng thông mũi, chữa đau đầu, giảm cảm giác đau xoang hiệu quả.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng bài thuốc này không nên lạm dụng vì có thể gây ra tác dụng phụ. Người khỏe mạnh chỉ nên sử dụng 3-4 quả bồ kết đốt lên rồi cho khói xông mũi, sau đó bạn sẽ cảm thấy thông thoáng, dễ thở hơn.
Hướng Dương (Theo FB Bác sĩ Hoa)