Tròn 30 ngày kể từ khi Quyết định 2345 chính thức có hiệu lực. Theo đó, việc thực hiện chuyển tiền giá trị lớn trên ứng dụng ngân hàng buộc phải xác thực sinh trắc học là khuôn mặt.
Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tội phạm công nghệ, xu hướng, phương thức ngày càng tinh vi. Một trong mục tiêu nhắm đến của tội phạm công nghệ là ngành tài chính ngân hàng. Thống kê cho thấy, riêng năm 2023, có 17.400 trường hợp phản ánh bị lừa đảo trực tuyến, trong đó có 91% là lừa đảo tài chính và 60% nạn nhân bị lừa qua điện thoại cá nhân.
Trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến trên mạng tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phối hợp với các cơ quan liên quan và tổ chức tín dụng thường xuyên nghiên cứu các giải pháp đồng bộ để hạn chế, ngăn ngừa rủi ro gian lận lừa đảo đồng thời bảo vệ tài sản của người dân. Đến ngày 18/12/2023, NHNN ban hành Quyết định 2345 với mục tiêu lớn nhất là bảo vệ tài sản, bảo vệ chính chủ khi thực hiện giao dịch chuyển tiền, không làm hạn chế trải nghiệm của khách hàng.
Quyết định số 2345 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024. Theo đó, với khoản tiền có giá trị trên trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày cần phải xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng. Như vậy, các khách hàng muốn thực hiện chuyển khoản số tiền giá trị lớn phải tiến hành cung cấp dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng, đối chiếu trùng khớp với thông tin trên căn cước công dân gắn chip,...
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, ông Lê Văn Tuyên, phó Vụ trưởng vụ Thanh toán cho biết, tính đến hết 22/7, có khoảng 26,3 triệu khách hàng đã được xác thực sinh trắc học với CCCD gắn chíp.
Trong đó, có 22,5 triệu khách hàng xác thực qua ứng dụng di động và 3,8 triệu khách hàng thực hiện xác thực tại quầy. 37 tổ chức tín dụng đã triển khai xác thực qua ứng dụng mobile và 47 tổ chức tín dụng triển khai xác thực tại quầy. Đồng thời, có 25 tổ chức tín dụng đã gửi dữ liệu sang C06 - Bộ Công an, 22 tổ chức tín dụng đang triển khai trên nền tảng VneID.
Nhiều chuyên gia đánh giá việc xác thực sinh trắc học khuôn mặt khi chuyển tiền giá trị lớn sẽ là giải pháp hữu hiệu trong việc chống lừa đảo trực tuyến.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước đó cho rằng, với giải pháp xác thực sinh trắc học, khách hàng không phải lo lắng bị chiếm đoạt tài sản hay thực hiện chuyển tiền sẽ mất hết tiền gửi trong ngân hàng. Trong trường hợp chuyển tiền với giá trị lớn, không có xác thực chính chủ thì khoản tiền sẽ không được giao dịch. Ông Tuấn cũng nói thêm, sẽ không có chuyện người dân nói đang ngủ mà bị đánh cắp hàng trăm triệu đồng trong tài khoản, hay tài khoản bốc hơi mà chủ tài khoản không biết.
Đại diện ngân hàng KienlongBank cũng nhấn mạnh: "Việc thực hiện xác thực sinh trắc học đạt mức độ bảo mật cao, góp phần hạn chế tối đa khả năng làm giả, gian lận của đối tượng xấu. Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng… không chỉ bảo vệ tài khoản của khách hàng, còn giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro gian lận".
Đứng ở góc độ chuyên gia an ninh mạng, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam – NCS cho rằng, giải pháp này sẽ hạn chế các tài khoản "rác", tài khoản ảo. Điều này đồng nghĩa, khi nạn nhân có chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo thì tiền vẫn nằm ở đó và có khả năng lấy lại do đối tượng lừa đảo không chuyển đi tiếp được. Ông Sơn nhấn mạnh thêm, đây là công cụ rất hữu hiệu trong phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng "rác".
Tại Workshop mới đây về công nghệ eKYC và xác thực sinh trắc học, ông Lê Đăng Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Khối nền tảng trí tuệ nhân tạo, Viettel AI nhận định khi công nghệ mới ra đời, sẽ xuất hiện ngay những hình thức lừa đảo mới. Đơn cử như với yêu cầu xác thực sinh trắc học, hình thức lừa đảo hỗ trợ xác thực hộ cũng ra đời. Trên cơ sở đó, ông Ngọc khuyến nghị rằng, để giảm thiểu tối đa hình thức lừa đảo, người dùng cần biết kết hợp nhiều yếu tố bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu, sinh trắc học, chữ ký số và đồng thời áp dụng các biện pháp như không nhấp vào đường link lạ, không mở email bất thường để tránh bị lộ thông tin. Sinh trắc học chỉ là một yếu tố và cần kết hợp nhiều yếu tố khác để bảo vệ chính mình. Nói chung, phải xác thực đa yếu tố trong quá trình sử dụng tài khoản ngân hàng.