Măng tây, giá đỗ, rong biển và nấm hương là những loại thực phẩm chay mà người bệnh gout nên tránh vì chúng chứa hàm lượng purine cao.
Như chúng ta đã biết, purine là một hợp chất hóa học được tìm thấy trong thực phẩm và đồ uống hàng ngày như thịt đỏ, hải sản và đồ uống có cồn... được chuyển hóa thành axit uric trong cơ thể người. Những người có lượng axit uric cao cần chú ý kiểm soát nguồn purine trong chế độ ăn uống của mình. Nếu không, việc tăng hợp chất này trong cơ thể không chỉ dễ gây tăng axit uric máu, bệnh gout và các bệnh khác mà còn làm tăng áp lực lên thận để đào thải. Nếu bị lắng đọng quá nhiều sẽ gây sỏi thận.
Nói đến việc hạn chế hấp thụ purine, nhiều người sẽ phân loại thực phẩm như hải sản và nội tạng động vật là không phù hợp hoặc cấm kỵ, trong khi các món ăn chay thường được coi là có hàm lượng purine thấp và có thể ăn bình thường. Tuy nhiên thực tế, suy nghĩ này không hoàn toàn chuẩn xác. Các món ăn từ thịt thường chứa lượng purine cao hơn món ăn chay, nhưng điều này không phải là tuyệt đối. Có những món ăn chay chứa nhiều hàm lượng purine, chẳng hạn như 4 loại sau:
1. Măng tây
Hàm lượng purine trong măng tây lên tới 500 mg/100g, khá cao so với một số loại hải sản thông thường như tôm, cá hồi, cá thu đao...
Ngoài ra, hàm lượng axit oxalic trong măng tây không hề thấp. Nếu đưa vào cơ thể quá nhiều, axit oxalic sẽ cạnh tranh với axit uric để giành cơ hội bài tiết trong cơ thể con người, ức chế quá trình đào thải axit uric. Tuy nhiên, miễn là bạn chần măng tây trước khi nấu thì phần lớn axit oxalic có thể được loại bỏ.
Vì vậy, những người có axit uric cao, những người bị tăng axit uric máu đơn giản và những người đang trong giai đoạn tấn công cấp tính và thuyên giảm của bệnh gout không nên ăn măng tây. Người khỏe mạnh có thể ăn vừa phải nhưng tốt nhất nên chần trước khi ăn.
2. Một số loại rau mầm
Hàm lượng purine trong mầm đậu nành cao tới 500 mg/100g. Tuy trong giá đỗ xanh không cao bằng mầm đậu nành nhưng nó vẫn chứa 166 mg purine/100 gam, khiến nó trở thành một loại thực phẩm chứa purine cao.
Vì vậy, những người có lượng axit uric cao, những người bị tăng axit uric máu đơn giản và những bệnh nhân bị gout cấp tính nên tránh ăn nó.
3. Rong biển
Rong biển là một loại thực vật thủy sinh có chứa 274 mg purine/100 gram, tương đương với nhiều loại thịt. Đặc biệt là rong biển khô, theo "Bảng thành phần thực phẩm Trung Quốc", nó chứa 415 mg purine/100 gam.
Vì vậy, những người có lượng axit uric cao, những người bị tăng axit uric máu đơn giản và những bệnh nhân đang trong giai đoạn tấn công cấp tính và thuyên giảm của bệnh gout không nên tiêu thụ rong biển. Những người khỏe mạnh cũng nên kiểm soát lượng ăn vào đối với loại thực phẩm này.
4. Nấm hương
Hàm lượng purine trong nấm hương tươi khoảng 214 mg/100g, còn nấm hương khô có thể đạt tới 405 mg/100g. Đây đều là những thực phẩm có hàm lượng purine cao, vì thế người có lượng axit uric cao, tăng axit uric máu đơn giản và bệnh nhân bị gout cơn cấp tính và gout đang thuyên giảm nên tránh.
Hướng Dương (Theo Aboluowang)