Trước khi triển khai bán vàng cho người dân từ 3/6 tới, cả 4 ngân hàng thương mại Nhà nước này đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024.
Ngày 29-5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng đã thông tin về kế hoạch điều chỉnh phương án bình ổn thị trường vàng. Theo đó, ngày 3-6, NHNN sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới. Ông Dũng cho biết, đây là nhóm ngân hàng có mạng lưới rộng khắp và đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.
Trước khi được lựa chọn là đơn vị bán vàng đến người dân, tại báo cáo mục tiêu tổng quát kế hoạch kinh doanh năm 2024, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 26.960 tỷ đồng theo ý kiến của NHNN sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 ở mức 26.960 tỷ đồng
Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 của Agribank cho biết thu nhập lãi thuần giảm 7% so với năm trước, còn gần 55.965 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi tiền gửi (tăng 43%) tăng mạnh hơn thu nhập từ lãi cho vay khách hàng (tăng 17%).
Tổng thu nhập bao gồm hoạt động tín dụng và phi tín dụng của Agribank giảm 2% so với năm trước, còn gần 76.139 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động tăng 10% lên hơn 30.932 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 9% còn hơn 45.206 tỷ đồng.
Dù vậy, Ngân hàng vẫn có lãi trước thuế tăng 15% so với năm trước, đạt hơn 25.859 tỷ đồng, nhờ giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (giảm 29%) xuống còn hơn 19.347 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7% lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tiền gửi tại các TCTD khác tăng 47% lên gần 282.443 tỷ đồng và các khoản lãi, phí phải thu tăng 25%, đạt gần 13.675 tỷ đồng.
Nợ phải trả cũng tăng tương ứng với tổng tài sản, chủ yếu do tiền gửi khách hàng tăng 12% lên hơn 1,8 triệu tỷ đồng và vay các TCTD khác tăng 43%, đạt 554 tỷ đồng. Cuối kỳ, phát hành giấy tờ có giá giảm 23% so với đầu năm, còn hơn 60.559 tỷ đồng.
Nợ xấu của Agribank tăng 10% so với đầu năm lên gần 28.721 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 76% lên gần 5.593 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng nhích từ 1,8% lên 1,85%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 101% xuống còn 93%.
BIDV ghi nhận lợi trước thuế đạt 7.390 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024
Về phần mình, trong 3 tháng đầu năm 2024, BIDV ghi nhận lợi trước thuế đạt 7.390 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của nhà băng này là 5.916 tỷ đồng, tăng 6,4%. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng này giảm 2,8% khi cả chi phí và thu nhập lãi đều đi xuống so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi của BIDV lại ghi nhận mức tăng trưởng gần 9%, mang về 3.630 tỷ đồng nhờ hoạt động dịch vụ, ngoại hối và chứng khoán kinh doanh tích cực…
Tổng tài sản của ngân hàng đạt 2,33 triệu tỷ đồng vào cuối quý 1, tăng 1,2% so với đầu năm. Cho vay khách hàng nhích thêm gần 1%, đạt số dư 1,79 triệu tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cũng tăng thêm gần 2%.
Về chất lượng tín dụng, số dư nợ xấu của ngân hàng này tăng 20,7% lên mức 27.000 tỷ đồng. Như vậy, sau ba tháng, tỷ lệ nợ xấu của BIDV đã tăng 0,25 điểm % lên mức 1,51% còn tỷ lệ bao phủ xuống còn 153%, giảm 28 điểm %. Tiền gửi khách hàng tăng 1,8% so với đầu năm, đạt 1,73 triệu tỷ đồng.
Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.718 tỷ đồng trong quý 1/2024
Theo báo cáo tài chính quý I/2024 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 1% so với cùng kỳ, còn 14.078 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận sụt giảm. Trong đó giảm mạnh nhất là lãi từ hoạt động khác giảm tới 53% còn 508 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 30% còn 1.197 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 24% còn hơn 22 tỷ đồng hay lãi từ dịch vụ giảm 1% còn hơn 1.411 tỷ đồng.
Cùng chiều, VCB cũng tiết giảm chi phí hoạt động 4%, còn 5.054 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng còn 1.508 tỷ đồng. Kết quả, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.718 tỷ đồng, giảm 4% so với quý I/2023. Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt hơn 42.000 tỷ đồng, như vậy sau ba tháng đầu năm, ngân hàng này đã hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại ngày 31/13/2024, tổng tài sản của Vietcombank cũng thu hẹp 4% so với đầu năm, chỉ còn hơn 1,77 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng cùng giảm 3% so với năm ngoái, còn gần 1,23 triệu tỷ đồng và gần 1,35 triệu tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu tính đến cuối quý I/2024 là 15.459 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Tuy nhiên, tất cả nhóm nợ xấu đều tăng, trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng mạnh nhất 47% lên 2.557 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 21%; nợ có khả năng mất vốn tăng 20% so với đầu năm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ 0,98% đầu năm lên 1,26%.
VietinBank lãi trước thuế hơn 6.210 tỷ đồng trong quý 1 trước khi triển khai bán vàng miếng SJC
Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024 của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, CTG) lãi trước thuế hơn 6,210 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước do tăng 20% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, trong quý 1, Ngân hàng thu được 15.174 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, lãi từ dịch vụ giảm 11% (còn 1.779 tỷ đồng) và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 106 tỷ; lãi kinh doanh ngoại hối tăng 15% (1.344 tỷ) và lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 37% (38 tỷ).
VietinBank dành ra hơn 8.049 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm, tăng đến 20% so với cùng kỳ. Kết quả, Ngân hàng chỉ lãi trước thuế hơn 6.210 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%.
Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản Ngân hàng tăng nhẹ 2% so với đầu năm, lên gần 2,08 triệu tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 3% lên hơn 1,51 triệu tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 1% lên gần 1,43 triệu tỷ đồng.
Chất lượng nợ vay của VietinBank có phần đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến 31/03/2024 ghi nhận 20.401 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) gấp 2,7 lần đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 1,13% của đầu năm lên 1,35%.