4 rủi ro pháp lý có thể gặp khi chây ỳ nộp phạt vi phạm giao thông

15/02/2024 16:53

Vi phạm luật giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt theo quy định. Trường hợp chây ỳ nộp phạt vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?

Vi phạm luật giao thông là gì?

Vi phạm luật giao thông là người tham gia giao thông đường bộ vi phạm những quy định về an toàn giao thông, điều khiển các phương tiện giao thông không đúng với quy định của pháp luật.

Vi phạm luật giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt hành chính.

4 rủi ro pháp lý có thể gặp khi chây ỳ nộp phạt vi phạm giao thông  - Ảnh 2.

Vi phạm luật giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt theo quy định. Ảnh minh họa: TL

Không nộp phạt vi phạm giao thông bị xử lý thế nào?

Theo quy định hiện hành, nếu không nộp phạt vi phạm giao thông theo đúng thời hạn quy định, người vi phạm có thể gặp phải 4 rủi ro pháp lý bao gồm:

Bị từ chối giải quyết thủ tục đăng ký xe

Khoản 15, Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định rõ tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì chưa giải quyết đăng ký xe.

Sau khi tổ chức, cá nhân chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm giao thông thì được đăng ký xe.

Theo quy định này, nếu không nộp phạt vi phạm giao thông thì người vi phạm sẽ không thể đăng ký xe khi mua xe mới hay sang tên xe sau khi mua bán, tặng cho, thừa kế…

Để được giải quyết thủ tục đăng ký xe, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp phạt trước. Sau đó, cơ quan đăng ký xe mới tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục.

Bị cưỡng chế nộp phạt vi phạm giao thông

Theo Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt giao thông, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp tiền phạt.

Nếu quá thời hạn nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Các biện pháp cưỡng chế được quy định tại Khoản 2, Điều 86 Luật này bao gồm:

- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế được thực hiện theo nguyên tắc: Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.

Bị tính thêm tiền chậm nộp phạt giao thông

Theo Khoản 2, Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020, nếu không nộp phạt vi phạm giao thông, ngoài việc bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, người vi phạm còn bị tính thêm tiền chậm nộp phạt với công thức tính như sau:

Số tiền nộp phạt = Số tiền phạt chưa nộp + (Số tiền phạt chưa nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp)

Số tiền này đồng thời thu cùng số tiền nộp phạt giao thông theo quyết định xử phạt.

Ô tô bị cảnh báo đăng kiểm

Khoản 12, Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm mà chủ phương tiện vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết, thì cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Ô tô vi phạm khi đi đăng kiểm chỉ được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày khi kiểm định đạt yêu cầu (theo Khoản 3, Điều 9 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT).

Người vi phạm giao thông sau khi giải quyết xong vụ việc việc vi phạm (đến trụ sở ở công an để giải quyết và hoàn thành việc nộp phạt) thì cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa cảnh báo phương tiện trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Chủ xe đưa phương tiện đi đăng kiểm lại sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo chu kì quy định.

Thời hạn thi hành quyết định xử phạt giao thông

Tại Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định khi bị xử phạt vi phạm hành chính:

"Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó".

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, người vi phạm phải có nghĩa vụ thực hiện quyết định xử phạt giao thông của mình. Nếu không, sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành.

4 rủi ro pháp lý có thể gặp khi chây ỳ nộp phạt vi phạm giao thông  - Ảnh 3.

Nếu không nộp phạt vi phạm giao thông theo đúng thời hạn quy định, người vi phạm có thể gặp phải rủi ro pháp lý. Ảnh minh họa: TL

Nộp phạt vi phạm giao thông ở đâu?

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi 2020, Khoản 1, Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau:

- Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;

- Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

- Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;

- Nộp vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích (Bưu điện...).

Có thể nộp phạt vi phạm giao thông online

Hiện nay, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Do đó, ngoài các hình thức nộp phạt theo quy định người dân còn có thể thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Khi đó, cảnh sát giao thông căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện.

Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/4-rui-ro-phap-ly-co-the-gap-khi-chay-y-nop-phat-vi-pham-giao-thong-17224021516025588.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/4-rui-ro-phap-ly-co-the-gap-khi-chay-y-nop-phat-vi-pham-giao-thong-17224021516025588.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
4 rủi ro pháp lý có thể gặp khi chây ỳ nộp phạt vi phạm giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO