45 phút 'gỡ bom hẹn giờ' cho nữ sinh Hà Nội

11/01/2025 07:37

Bệnh nhân 15 tuổi bị dị dạng mạch máu não - tình trạng giống như “bom hẹn giờ” có nguy cơ gây đột quỵ.

Bệnh nhân N.T.H (15 tuổi, trú tại Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) vào bệnh viện kiểm tra vì thường xuyên đau đầu, co giật. Hai năm trước, H. được chẩn đoán dị dạng mạch máu não và phải điều trị nội khoa nhưng tình trạng động kinh không cải thiện. Nữ sinh được đưa đến bệnh viện tuyến trung ương nhưng bác sĩ không can thiệp được vì khối dị dạng chưa chảy máu, việc “động chạm” có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

Đầu tháng 1, H. được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội. Các bác sĩ nhận định khối dị dạng nguy hiểm, nếu không can thiệp bệnh nhân có nguy cơ chảy máu não .

Ngày 7/1, ê-kíp của Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã tiến hành can thiệp dị dạng mạch máu não cho H. trên hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền.

45 phút 'gỡ bom hẹn giờ' cho nữ sinh Hà Nội - Ảnh 1.
Các bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Thúy.

Theo Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Hồng Đức - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, ê-kíp can thiệp trong 45 phút. Trong quá trình đó, bệnh nhân tỉnh táo, bác sĩ đưa ống thông từ động mạch đùi lên mạch máu bị tổn thương.

Bác sĩ Đức cho biết, dị dạng mạch máu não (AVM) là hiện tượng các mạch máu bất thường, rối loạn trong não do bẩm sinh, xảy xa từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 8 trong quá trình phát triển bào thai. Các dị dạng này nối thông động mạch và tĩnh mạch não mà không đi qua các mao mạch, không cung cấp máu cho nhu mô não. Các dị dạng mạch máu này khi vỡ gây chảy máu não nên bị xem như “bom hẹn giờ” trong não.

Biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất của dị dạng mạch máu não là xuất huyết não, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh có các triệu chứng như đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn ói, yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó, nhìn mờ.

Biến chứng thường gặp thứ 2 là động kinh. Người bệnh có các cơn co giật, co cứng, mất ý thức. Ngoài ra, đau đầu âm ỉ kéo dài cũng có thể là biểu hiện bệnh. Nếu dị dạng kích thước lớn, người bệnh có các biểu hiện của thiếu máu não như yếu liệt tay chân, rối loạn cảm giác nửa người, nhìn mờ…

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại các biến chứng nguy hiểm như: di chứng yếu liệt kéo dài, động kinh kháng trị, thậm chí tử vong.

Nếu có dấu hiệu đau đầu kéo dài, co giật, bệnh nhân có thể sàng lọc dị dạng mạch máu não bằng các phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ MRI, chụp mạch máu cộng hưởng từ sọ não MRA, chụp mạch máu số hóa xóa nền mạch máu não.

Điều trị dị dạng động tĩnh mạch não bao gồm các phương pháp: Tắc mạch, phẫu thuật, xạ phẫu, phối hợp các phương pháp kể trên. Trong đó, can thiệp mạch là phương pháp xâm lấn tối thiểu, hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian nằm viện cho người bệnh.

Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/45-phut-go-bom-hen-gio-cho-nu-sinh-ha-noi-172250110223822679.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/45-phut-go-bom-hen-gio-cho-nu-sinh-ha-noi-172250110223822679.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
45 phút 'gỡ bom hẹn giờ' cho nữ sinh Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO