Đồ nội thất ngấm nước có thể bị cong vênh, hỏng hóc, mục nát hoặc nấm mốc, vì vậy cần làm khô nhanh và đúng cách.
1. Di chuyển đến nơi khô ráo
Nhanh chóng chuyển đồ đạc khỏi nơi bị ngập để tránh tổn thất thêm. Bạn có thể trải bạt xuống dưới giường, tủ, bàn, ghế... để tránh nước làm ướt sàn.
2. Lau khô và làm sạch
Lau khô đồ nội thất bằng vải mềm giúp hạn chế hư hỏng. Sau bước này, bạn có thể dùng máy hút bụi để loại bỏ các mảnh vụn và hút bớt nước ngấm trong đồ nội thất.
Đối với đồ gỗ và đồ chắc chắn, hãy dùng xà phòng, nước ấm để làm sạch. Đối với đồ nội thất bọc vải, da... hãy làm theo hướng dẫn vệ sinh trên nhãn sản phẩm.
3. Làm khô hoàn toàn
Cách tốt nhất để làm khô đồ nội thất là dùng quạt công suất lớn và máy hút ẩm. Mở cửa và ngăn kéo tủ để làm khô phần bên trong nhanh hơn.
4. Xử lý mùi hôi
Cách tốt nhất để khử mùi đồ nội thất là phơi ngoài trời. Bạn cũng có thể rắc một chút bột baking soda, để yên trong vài giờ hoặc qua đêm, sau đó dùng vải mềm hoặc hút bụi làm sạch.
5. Khử trùng
Thêm một cốc thuốc tẩy vào 3 - 4 lít nước và dùng hỗn hợp này để lau sạch đồ nội thất. Đối với đồ nội thất bọc vải, hãy sử dụng chất khử trùng an toàn với đồ màu.
Những loại đồ nội thất nào có khả năng bị hư hỏng do nước nhiều nhất?
- Vật liệu tổng hợp. Đồ nội thất làm bằng ván dăm hoặc gỗ ép sẽ nở ra nhanh khi bị ướt. Nước làm bong keo, khiến vật liệu bị vỡ. Tương tự như vậy đối với đồ nội thất nhiều lớp làm từ vật liệu tổng hợp. Trong hầu hết các trường hợp, tốt nhất nên vứt bỏ những đồ vật này.
- Đồ nội thất bọc vải. Các vật dụng có khung composite dễ bị hỏng hơn. Ngoài ra, đồ nội thất bọc vải cũng khó vệ sinh, khử trùng hơn.
- Đồ da. Da thật có thể bị co lại khi khô. Vì lý do này, tránh sử dụng nhiệt khi làm khô đồ nội thất bằng da. Là một vật liệu tự nhiên, da cũng dễ tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển.
>> Bốn kinh nghiệm mua nhà thành phố cho gia đình trẻ
Hằng Trần (Theo Restorationlocal)