Thường xuyên hâm đi hâm lại đồ ăn thừa, thích ăn thịt chế biến sẵn, bỏ qua bữa sáng... khiến dạ dày chịu thương tổn, có thể mắc ung thư.
Nhiều căn bệnh và ung thư có liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống, chẳng hạn như ung thư dạ dày. Vậy thói quen ăn uống nào làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày?
1. Thường xuyên ăn đồ thừa
Nhiều người thích tiết kiệm nên hay giữ lại và hâm nóng thức ăn thừa cho bữa kế tiếp. Trên thực tế, một số chất gây ung thư dễ dàng được tạo ra khi thức ăn thừa được đun nóng. Hơn nữa, thức ăn thừa dễ bị vi khuẩn, virus phát triển sau khi để lâu, dễ gây tổn hại cho hệ thống đường tiêu hóa. Ngoài ra, thức ăn thừa để lâu sẽ sinh ra các chất có hại như natri bisulfate, kali sulfite, cũng sẽ gây hại cho đường tiêu hóa và dạ dày.
2. Thường xuyên ăn vặt vào đêm khuya
Một số người có cuộc sống về đêm phong phú và luôn thích tụ tập với bạn bè để ăn tối. Nhưng cơ thể chúng ta cần được nghỉ ngơi và dạ dày của chúng ta cũng vậy. Nếu bạn thường xuyên ăn muộn vào đêm khuya, dạ dày sẽ không được nghỉ ngơi đầy đủ và niêm mạc dạ dày sẽ không được phục hồi tốt.
Ngoài ra, ăn quá nhiều trước khi đi ngủ sẽ làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Thức ăn tồn đọng lâu ngày trong dạ dày sẽ tiết ra một lượng lớn axit dạ dày, gây kích ứng mạnh cho niêm mạc dạ dày. Bên cạnh đó, uống rượu kết hợp ăn khuya khiến dạ dày phải chịu sự kích thích gấp đôi, dễ mắc bệnh, có thể dẫn tới ung thư dạ dày.
3. Ăn thịt chế biến sẵn thường xuyên
Thịt chế biến sẵn tuy ngon, nó không tốt cho sức khỏe vì chứa một lượng lớn chất bảo quản, gia vị, nitrat... Thường những chất phụ gia này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho dạ dày và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh dạ dày cùng nguy cơ ung thư. Các loại thịt chế biến phổ biến trong cuộc sống bao gồm thịt xông khói, xúc xích, thịt hộp...
4. Không bao giờ ăn sáng
Bỏ bữa sáng là một hành vi có hại cho sức khỏe, vì sau một đêm trao đổi chất, dạ dày của cơ thể con người gần như trống rỗng. Nếu bỏ bữa sáng, bạn sẽ rơi vào trạng thái đói suốt cả buổi sáng. Vì thế, cơ thể sẽ tiết ra nhiều axit có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, buồn nôn, nôn mửa và triệu chứng khó chịu khác. Nếu tình trạng này diễn ra lâu dài có thể gây loét dạ dày, dẫn tới ung thư dạ dày.
5. Hút thuốc và uống rượu
Thuốc lá chứa một lượng lớn chất độc hại, bao gồm cả chất gây ung thư như nicotine, không chỉ gây tổn thương cho phổi mà còn cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, uống rượu thường xuyên còn có thể gây kích ứng dạ dày, đặc biệt uống khi bụng đói có thể gây tổn thương dạ dày nhiều hơn và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày lên rất nhiều.
Vậy triệu chứng của ung thư dạ dày là gì?
Các triệu chứng khó chịu ở vùng bụng trên hoặc đau nhẹ thường xảy ra sau khi ăn, đặc biệt là ở vùng bụng bên trái. Các triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa, khó tiêu, chán ăn thường xảy ra. Ở giai đoạn giữa và cuối của bệnh, người bệnh sẽ sụt cân đột ngột, thậm chí có triệu chứng ra máu trong phân, nguyên nhân chủ yếu là do xuất huyết tiêu hóa, trường hợp này cần phải đến bệnh viện để điều trị ung thư dạ dày.
Chế độ ăn uống thiếu kiểm soát và thất thường tạo điều kiện cho mầm bệnh bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, dẫn đến mất cân bằng âm dương, khó tiêu hóa và hấp thu thức ăn, đau dạ dày, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua, tăng tiết axit, đắng miệng. Đồng thời người bệnh chịu nhiều chứng khó chịu ở dạ dày và khó ngủ.
Hằng Trần (Theo 163)