Niacin, chiết xuất trà xanh, mướp đắng hay crom... là những thực phẩm bổ sung không có lợi cho người mắc hội chứng chuyển hóa.
Thực phẩm bổ sung có thể là một cách tuyệt vời để đưa các chất dinh dưỡng quan trọng vào chế độ ăn uống của bạn - nhưng chúng không dành cho mọi người.
Những người mắc hội chứng chuyển hóa, một nhóm tình trạng sức khỏe bao gồm huyết áp cao, lượng đường trong máu cao, mức cholesterol hoặc chất béo trung tính bất thường và mỡ thừa quanh eo, nên đặc biệt cẩn thận khi bổ sung.
Chia sẻ với Eating Well, chuyên gia dinh dưỡng Isabel Vasquez đã tiết lộ 5 loại thực phẩm bổ sung mà bạn không nên dùng nếu mắc hội chứng chuyển hóa, bao gồm:
Crom
Crom là một khoáng chất vi lượng thiết yếu được tìm thấy trong thực phẩm như nước nho và bông cải xanh. Một số người dùng crom để điều chỉnh lượng đường trong máu và cholesterol hoặc để cải thiện thành tích thể thao mặc dù có ít bằng chứng về hiệu quả.
Michelle Routhenstein, chuyên gia dinh dưỡng phòng ngừa tim mạch tại Entirely Nourished, nói với Eating Well: "Một số nghiên cứu cho thấy chất bổ sung crom picolinate có thể cải thiện độ nhạy insulin, nhưng bằng chứng vẫn chưa thuyết phục và không nhất quán".
Crom cũng có thể tương tác với insulin và thuốc trị đái tháo đường, gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. "Tiêu thụ quá nhiều crom có thể dẫn đến các tác dụng phụ tiêu cực như tổn thương thận và các vấn đề về đường tiêu hóa", Routhenstein giải thích.
Niacin
Theo Mayo Clinic, niacin, còn được gọi là vitamin B3, giúp cơ thể bạn biến thức ăn thành năng lượng và giữ cho hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và làn da khỏe mạnh. Nhiều người dùng niacin theo toa để giảm cholesterol hoặc giảm nguy cơ đau tim.
Vasquez cảnh báo mọi người không nên bổ sung niacin nếu họ mắc hội chứng chuyển hóa.
"Một nghiên cứu gần đây cho thấy đối với những người tham gia dùng thuốc statin làm giảm cholesterol, việc bổ sung chất niacin sẽ làm tăng HDL. Điều này thường tốt - xét cho cùng, HDL là loại cholesterol tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp này, mức HDL tăng vọt đến mức nó có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch (tích tụ mảng bám trong động mạch)", Vasquez giải thích.
Trà xanh
Vasquez cảnh báo mọi người thường có thể uống 6 đến 8 tách trà xanh mỗi ngày một cách an toàn, nhưng việc bổ sung viên uống chiết xuất trà xanh có thể mang lại những rủi ro cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người mắc hội chứng chuyển hóa.
Chiết xuất trà xanh có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm bổ sung khác nhau giúp thúc đẩy giảm cân và sức khỏe trao đổi chất, nhưng điều quan trọng cần biết là trà xanh đã được chứng minh là có tương tác với một số loại thuốc dùng để điều trị các vấn đề về tim mạch.
Trung tâm Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp Quốc gia Mỹ báo cáo rằng một số người sử dụng chất bổ sung chiết xuất trà xanh để giảm cân đã bị tổn thương gan hiếm gặp.
Mướp đắng
Theo Healthline, mướp đắng có liên quan đến việc làm giảm lượng đường trong máu.
Loại trái cây này có chứa các chất hóa học có vẻ giống insulin. Vasquez cho rằng nấu ăn với mướp đắng cũng được nhưng việc bổ sung mướp đắng có thể không an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường, đặc biệt là về lâu dài.
Vasquez đã tham khảo một nghiên cứu cho thấy mướp đắng giúp giảm lượng đường trong máu ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại hai đã dùng nó trong 12 tuần. Tuy nhiên, nghiên cứu đó chỉ được thử nghiệm trong thời gian ngắn.
Kế sữa
Cây kế sữa là một chất bổ sung khác được quảng cáo cho những người mắc bệnh tiểu đường hoặc lượng đường trong máu cao. Tuy nhiên, hiện không có đủ dữ liệu để chứng minh rằng nó hữu ích.
Hướng Dương (Theo NY Post)