Sụt cân không rõ nguyên nhân, thói quen đại tiện gặp vấn đề, nốt ruồi bỗng to hơn... là những tín hiệu cảnh báo ung thư bạn cần chú ý.
1. Thay đổi trên làn da
Wang Fei, bác sĩ trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Zhongda trực thuộc Đại học Đông Nam, Trung Quốc chỉ ra ung thư da phổ biến hơn ở những người người lớn tuổi, liên quan tới tình trạng lão hóa, tiếp xúc với ánh nắng lâu ngày... Nếu nốt ruồi có hình dạng không đối xứng, viền không đều, sẫm màu hơn hoặc đường kính lớn hơn sáu milimet, hoặc tàn nhang trên da đột ngột chuyển sang màu đen và to, vết thương lâu ngày không lành, bạn cần cẩn thận với sự biến đổi ác tính, nên đi khám càng sớm càng tốt.
2. Thay đổi thói quen đại tiện
Nếu gặp tiêu chảy, táo bón kéo dài hoặc táo bón xen kẽ tiêu chảy, bạn nên cảnh giác với sự xuất hiện của khối u đường tiêu hóa.
Shi Hong, Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Ung thư Phúc Kiến, chỉ ra những người trên 50 tuổi, ít vận động trong thời gian dài, có tiền sử polyp ruột, viêm ruột mãn tính, béo phì lâu ngày là nhóm có nguy cơ ung thư cao. Bạn nên nội soi 5 năm một lần, khi phát hiện polyp ruột, cần chú ý điều chỉnh nếp sống, thói quen sinh hoạt.
3. Giảm cân không rõ nguyên nhân
Chen Hongmei, bác sĩ trưởng Khoa Nội tiết của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông, cho biết nếu cân nặng của bạn giảm hơn 5% so với cân nặng bình thường trong vòng sáu tháng, bạn nên đến bệnh viện để khám. Ung thư, bệnh tim, tác dụng phụ của thuốc, trầm cảm và rối loạn chức năng đường tiêu hóa đều có thể gây ra giảm cân ở người lớn tuổi.
4. Đau không rõ nguyên nhân
Liu Ning, bác sĩ trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã chỉ ra các triệu chứng đau không rõ nguyên nhân nên được kiểm tra ở bệnh viện, vì cơn đau thể xác có thể do khối u chèn ép.
5. Nổi cục không rõ nguyên nhân trên bề mặt cơ thể
Trên bề mặt cơ thể xuất hiện cục không rõ nguyên nhân, kèm theo đỏ, sưng, đau và phát triển nhanh, bạn cần điều trị y tế càng sớm càng tốt. Các hạch bạch huyết nổi cục, kết cấu cứng có thể là một khối u.
Phòng ngừa ung thư như thế nào?
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết 30-50% bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm thiểu hoặc loại bỏ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ.
- Kiểm soát cân nặng. Một cuộc khảo sát dữ liệu trên 40 triệu người của Viện Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm thuộc Đại học Chiết Giang cho thấy béo phì làm tăng nguy cơ ung thư đường ruột, nguy cơ mắc 18 loại ung thư như ung thư tuyến tụy, ung thư thực quản... Do đó, để có sức khỏe tốt cần kiểm soát cân nặng trong mức lý tưởng.
- Chống nắng: Tia cực tím là nguyên nhân chính gây ra ung thư da nên bạn cần bôi kem chống nắng hàng ngày.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng. Ăn ít thịt chế biến sẵn, thịt đỏ, thực phẩm ngâm chua, hun khói và nướng, ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt...
- Bỏ hút thuốc và uống rượu bởi chúng đều là chất gây ung thư.
- Tập thể dục đúng cách để tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ ung thư thận, gan, vú và các bệnh ung thư khác. Người lớn nên tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, tập thể dục hơn 30 phút mỗi ngày.
- Ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do vi rút và vi khuẩn. Nên phát triển thói quen sinh hoạt tốt, chú ý vệ sinh cá nhân, cải thiện khả năng miễn dịch.
Hằng Trần (Theo Aboluowang)