Tê chân tay, đi lại khập khiễng, chân tay bỗng đỏ... có thể là dấu hiệu cơ thể cảnh báo bạn về cục máu đông đang hình thành.
Huyết khối, hay cục máu đông, là một yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Một khi nó di chuyển theo máu đến các cơ quan quan trọng của cơ thể, nó có thể gây ra tình trạng tàn tật hoặc tử vong. Bác sĩ Jiang Li, trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Tongren trực thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải, cho biết khi ít vận động, căng thẳng kéo dài, lão hóa và các bệnh mãn tính như cao huyết áp độ ba, hệ thống tiêu huyết khối của cơ thể có thể gặp trục trặc, cục máu đông phát triển.
Ngoài ra, thức khuya, ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, hút thuốc lá và uống rượu, tâm trạng không tốt... đều có thể góp phần hình thành cục máu đông. Khi đó, tay chân thường phát ra tín hiệu cảnh báo bạn.
1. Đau tay hoặc chân một bên
Zhou Tao, Giám đốc Khoa Tim mạch tại Bệnh viện liên kết thứ ba thuộc Đại học Y miền Nam, Trung Quốc, cho biết huyết khối có thể gây ra phản ứng viêm, dẫn đến đau ở một cánh tay hoặc chân. Khi huyết khối ngày càng lớn, triệu chứng đau sẽ trầm trọng hơn. Bạn sẽ bị chuột rút, đau đớn và các triệu chứng khó chịu khác.
2. Tê chân tay
Cục máu đông có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho cơ thể. Lượng máu không đủ có thể gây ra các triệu chứng như tê và đau ở tứ chi.
3. Đi lại khập khiễng
Sau khi cục máu đông to ra và làm tắc nghẽn mạch máu, người bệnh có thể bị đau cách hồi, đi lại một lúc sẽ cảm thấy đau nhức ở chân và cần được nghỉ ngơi. Nếu không được kiểm soát, nó có thể gây loét chân tay hoặc hoại tử mô trong trường hợp nặng.
4. Sưng bắp chân
Sau khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch, máu không thể quay về tim kịp thời, áp lực sẽ làm lan chất lỏng xuống chân, gây sưng tấy đột ngột một bên cẳng chân.
5. Chân hoặc tay đỏ và có cảm giác ấm khi chạm vào
Huyết khối có thể làm giảm lưu lượng máu từ tứ chi đến tim và tăng áp lực tĩnh mạch, sau đó có thể gây ra các triệu chứng như sốt và đỏ tay chân. Khi chạm vào, bạn thấy tay chân ấm, nóng.
Phần bổ sung: 5 việc giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành
1. Ăn chế độ lành mạnh gồm thực phẩm giàu chất béo tốt và nhiều chất xơ để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các thực phẩm như khoai tây, ngũ cốc nguyên hạt và đậu đều là những thực phẩm tốt.
2. Tránh ngồi trong thời gian dài. Ngồi trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch, vì vậy hãy nhớ di chuyển, tốt nhất là cứ sau một hoặc hai giờ.
3. Tránh thức khuya thường xuyên. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy ngủ không đủ giấc là nguyên nhân chính dẫn đến chứng xơ vữa động mạch, vì vậy bạn nên tránh thức khuya thường xuyên.
4. Kiểm soát các bệnh lý nền. Wang Haiyang, bác sĩ trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu của Bệnh viện liên kết số Một của Đại học Y Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết những người mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu cao, tăng huyết áp hoặc các bệnh cơ bản khác nên chú ý kiểm soát tình trạng bệnh, giảm thiểu độ nhớt của máu để ngăn ngừa cục máu đông tốt hơn.
5. Không hút thuốc và uống rượu. Lý do bởi hút thuốc và uống rượu có thể gây tổn thương thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình hình thành các mảng bám trong mạch máu.
>> 5 việc nên làm để tăng cường sức khỏe não bộ
Hằng Trần (Theo Aboluowang)