6 bệnh về da thường gặp sau bão lũ và cách điều trị

29/09/2022 11:52

PLBĐ - Người dân ở các vùng bị mưa bão, lũ lụt có thể đối mặt với nhiều bệnh lý, đặc biệt là bệnh ngoài da. Dưới đây là những bệnh da liễu thường gặp sau bão lũ và cách điều trị.

Ghẻ

Bệnh ghẻ là một bệnh nhiễm ký sinh trùng ở da, gây nên bởi sự xâm nhập của một loài ký sinh ở lớp thượng bì là cái ghẻ. Triệu chứng của bệnh này là những mụn nước, rãnh ghẻ hay gặp ở những kẽ ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng… gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể biến chứng nhiễm trùng thành mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị. Bệnh cũng dễ lây từ người này sang người khác.

Điều trị: Hiện nay cái ghẻ được điều trị thông dụng nhất là sử dụng permethrin 5% dạng xịt hoặc dạng cream. Ngoài ra còn có các loại khác như dung dịch DEP (diethylphtalate), cream lưu huỳnh 5-10%, hoặc đường dùng toàn thân bằng viên uống ivermectin.

Nhiễm nấm da

6 bệnh về da thường gặp sau bão lũ và cách điều trị - Ảnh 1.

Sau mưa bão, ngập lụt, nguồn nước bị ô nhiễm là điều kiện thuận lợi để vi nấm phát triển. Vị trí thường nhiễm nấm là nấm kẽ ngón chân, nấm bẹn, nấm thân mình…

Nấm kẽ chân là tình trạng nhiễm nấm ở da vùng kẽ các ngón chân, thường gặp ở kẽ ngón 4 và 5. Vào mùa mưa lũ, người dầm nước lũ dễ gặp tình trạng nhiễm nấm kẽ ngón.

Nấm bẹn là nhiễm nấm ở da vùng bẹn, làm xuất hiện các mảng da đỏ, ngứa, tróc vảy, diễn tiến lan rộng dần. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa vì quần áo dễ ẩm ướt khiến vùng bẹn vốn kém thông thoáng trở nên nóng ẩm hơn, là môi trường thuận lợi vi nấm phát triển.

Điều trị: Nước ăn chân hiện có rất nhiều loại thuốc chống nấm có hoạt chất Ketoconazol, Clotrimazol… để bôi. Người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị khi có biểu hiện nặng như kẽ chân lở loét, nóng, đỏ, có mủ tránh biến chứng không đáng có.

Viêm nang lông

Viêm nang lông có thể do vi khuẩn hoặc vi nấm tấn công. Nang lông bị viêm sẽ sưng đỏ, ngứa và có thể tạo mụn mủ. Thiếu nước sạch để tắm gội là nguyên nhân vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày.

Điều trị: Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà chỉ cần dùng dung dịch sát khuẩn kết hợp với kháng sinh bôi tại chỗ hoặc kháng sinh toàn thân.

Mề đay

Trong mùa mưa, nhiều người thường bị nổi mề đay là do dị ứng với nước mưa. Khi da bị ngấm nước mưa lập tức phản ứng lại gây nên tình trạng nổi mề đay. Đặc điểm là những sẩn phù từng mảng trên da, gây ngứa. Mề đay có thể nổi ở bất cứ vị trí nào nhưng vùng da hở như tay, chân, mặt dễ ngứa nhiều. Hiện tượng đỏ, ngứa kéo dài khi tiếp xúc trực tiếp với nước mưa và sau khi tiếp xúc nước mưa khoảng 1 - 2 giờ. Mề đay sẽ biến mất nhanh nhưng cũng có thể bị trở lại khi tiếp xúc trở lại với tác nhân.

Bệnh da tiếp xúc do côn trùng

6 bệnh về da thường gặp sau bão lũ và cách điều trị - Ảnh 2.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng thường xuất hiện trong mùa mưa lũ. Căn nguyên, lây truyền của bệnh do côn trùng tên khoa học Paederus. Mọi người hay gọi nhiều là kiến ba khoang. Sau khi tiếp xúc với côn trùng sẽ thấy ngứa, rát, nóng bỏng tại chỗ và xuất hiện các đám vết màu đỏ, hơi nề thành vệt. Sau 1-3 ngày xuất hiện các mụn nước trên da đỏ, lấm tấm sau đó xuất hiện bọng nước và bọng mủ.

Điều trị: Theo chuyên gia y tế cần làm sạch tổn thương bằng xà phòng nhẹ, băng ép, bôi các chế phẩm làm dịu và tránh trầy xước để ngăn ngừa nhiễm khuẩn thứ phát (đây là biến chứng phổ biến nhất của những vết đốt này). Bôi các chế phẩm chứa corticoid và uống thuốc kháng histamine để giảm các triệu chứng ngứa và đau là những phương pháp điều trị thích hợp.

Bệnh da bội nhiễm do chấn thương

Vết thương do chấn thương thường là tình trạng ban đầu, sau đó là nhiễm trùng thứ phát. Biểu hiện của bệnh là viêm đỏ, sưng tấy như viêm mô bào, hoại tử và nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết.

Điều trị: Làm sạch vết thương, bôi mỡ kháng sinh và băng vết thương là một trong những cách điều trị hiệu quả nhất đối với những vết thương bị nhiễm trùng.

Phòng chống bệnh ngoài da sau bão lũ

- Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát.

- Không mặc áo quần ẩm ướt.

- Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da mà còn gây ra bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn.

- Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

- Nên trang bị một số dung dịch sát khuẩn như oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B... để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn.

- Người đã bị bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Không dùng chung quần áo, khăn mặt, chậu giặt với người chưa mắc bệnh để tránh lây lan cộng đồng. Tránh gãi để hạn chế làm tổn thương lan rộng. Khi bị bệnh, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh đúng cách.

10 khuyến cáo về biện pháp phòng chống dịch chung sau mưa bão và lũ lụt của Bộ Y tế

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước;

7. Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.

9. Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Thanh Hải (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
6 bệnh về da thường gặp sau bão lũ và cách điều trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO