Cuộc phỏng vấn có thành công hay không phụ thuộc khá nhiều vào đoạn kết, khi cả nhà tuyển dụng lẫn ứng viên đã có được những thông tin và sự đánh giá cho riêng mình. Lúc này, bạn cần biết cách để tạo thiện cảm với công ty tuyển dụng nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.
Dưới đây là 6 gợi ý về cách kết thúc phỏng vấn xin việc mà bạn có thể áp dụng.
Đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng
Đây là một trong những cách kết thúc phỏng vấn tìm việc làm tại Đà Nẵng, Huế hay bất cứ đâu… giúp bạn tạo ấn tượng mạnh mẽ. Khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, bạn cũng có thể biết thêm thông tin cụ thể mà trong bản mô tả tuyển dụng chưa nêu rõ chẳng hạn như một số chính sách, chế độ của công ty.
Hơn nữa, thông qua những câu hỏi giá trị, nhà tuyển dụng cũng đánh giá được một vài đặc điểm trong tính cách cũng như tư duy của bạn. Đồng thời, nó sẽ thể hiện được sự nhiệt tình tìm hiểu và thái độ tôn trọng của bạn. Nếu chọn cách kết thúc này thì bạn cũng nên chủ động "hạ màn" buổi phỏng vấn bằng lời cảm ơn.
Nhắc lại kỹ năng và trình độ của bạn
Bạn nên để nhà tuyển dụng rời đi với ấn tượng rằng bạn có những kỹ năng và kinh nghiệm mà họ đang tìm kiếm. Mặc dù bạn có thể đã thảo luận điều này trước đó nhưng việc kết thúc cuộc phỏng vấn bằng bản tóm tắt các kỹ năng liên quan của bạn có thể giúp bạn nhấn mạnh một lần nữa rằng bạn là ứng viên "nặng ký" không thể bỏ qua.
Hỏi về thời gian trả kết quả phỏng vấn
Bạn cũng có thể hỏi nhà tuyển dụng về thời gian thông báo, phương thức phản hồi của nhà tuyển dụng như một cách kết thúc hợp lý buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng ắt hẳn sẽ cân nhắc và đưa ra một câu trả lời hợp lý, và họ sẽ tự ngầm hiểu cuộc nói chuyện của cả hai đang đi đến hồi kết. Đồng thời, đáp án cho câu hỏi này có thể giúp bạn không bị áp lực quá nhiều về thời gian nhận kết quả cũng như chuẩn bị sẵn tâm lý cho những dự định tiếp theo. Chẳng hạn như sắp xếp thời gian để tận hưởng với gia đình và bạn bè nhân lúc bạn chưa phải đối diện với gánh nặng công việc.
Hỏi xem nhà tuyển dụng có cần thêm thông tin không
Kết thúc buổi phỏng vấn xin việc, bạn cần hỏi xem nhà tuyển dụng có muốn xem porfolio hoặc trang web cá nhân của bạn hay không. Nếu họ muốn bạn gửi thông tin qua email cho họ sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, điều đó sẽ mang lại cho bạn thêm cơ hội để tiếp cận và thiết lập mối liên hệ giúp bạn luôn nhớ đến họ khi đưa ra quyết định tuyển dụng.
Tìm hiểu và kết nối với người phỏng vấn
Người đã phỏng vấn bạn rất có thể sẽ là cấp trên hoặc đồng nghiệp của bạn trong trường hợp bạn vượt qua cuộc phỏng vấn xin việc. Trong một số trường hợp, nếu bỏ lỡ cơ hội việc làm đó thì người đó vẫn là một "bậc tiền bối" trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Chính vì vậy, trò chuyện và kết nối với họ cũng có thể xem là một cách để bạn kết thúc buổi phỏng vấn êm đẹp, đồng thời có thêm một mối giao hảo giá trị.
Nếu người phỏng vấn tiếp chuyện bạn ở những lĩnh vực cá nhân thì xem như cuộc phỏng vấn đã kết thúc và cả hai đang trao đổi thông tin với nhau. Họ có thể cho bạn danh thiếp hoặc giới thiệu rõ họ tên, số điện thoại để tiện liên lạc hoặc sử dụng khi bạn cần thăm dò về kết quả phỏng vấn. Tuy nhiên, tốt nhất chỉ nên kết nối trên nền tảng có liên quan tới công việc, ví dụ như LinkedIn để hạn chế làm phiền đến cuộc sống cá nhân của họ.
Nói làm cảm ơn và bày tỏ sự tôn trọng
Đây được coi là điều cần thiết phải làm để kết thúc phỏng vấn và giúp bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Thiếu lời cảm ơn và lời bày tỏ mong muốn được kết nối với nhà tuyển dụng là thiếu sót rất lớn của ứng viên. Bạn có thể thể hiện sự biết ơn với họ khi đã dành thời gian để trao đổi với bạn. Tuy đó là nhiệm vụ của họ khi công ty đang cần nguồn lao động nhưng ở vai trò ứng viên, bạn nên nói lời cảm ơn để cho thấy sự chuyên nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, bạn đừng quên giữ nụ cười vui vẻ và thái độ lịch sự, nhã nhặn trước khi chính thức kết thúc buổi phỏng vấn xin việc. Sau cùng bạn cũng đừng quên cúi chào tạm biệt, cảm ơn những người bạn gặp trong công ty bởi vì đây là văn hóa ứng xử cơ bản thể hiện con người của bạn, và cũng có thể bạn gặp lại họ trong tương lai không xa với vai trò đồng nghiệp.
Pha Lê