Việc dư thừa ăn ngày Tết là điều không tránh khỏi. Có những món nên bảo quản để ăn tiếp ngày hôm sau, nhưng có những món nên mạnh tay vứt bỏ.
Việc tích trữ thực phẩm ngày Tết đã là phong tục tập quán khó bỏ của người Việt nhiều đời nay. Thực trạng này đầu tiên xuất phát từ truyền thống kiêng hết đồ ăn trong ngày Tết:"No ba ngày Tết ấm ba tháng hè", vì thế người Việt thường mua nhiều đồ để có cảm giác no đủ, và không 'bị dông' cả năm.
Một phong tục tập quán nữa đó là dịp đầu xuân, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng tất niên, giao thừa, cúng các ngày Tết... nhiều gia đình lễ nào cũng thịnh soạn, mong muốn gia đình năm nay tốt hơn trước.
Chính vì vậy, việc dư thừa ăn là điều không tránh khỏi. Bỏ đi thì lãng phí mà ăn thì quá tải. Tuy nhiên, việc duy trì ăn thức ăn dồn, để qua đêm liên tiếp trong dịp Tết rất dễ khiến cơ quan nội tạng như gan, thận bị ảnh hưởng, thậm chí còn làm sản sinh nhiều chất gây ung thư trong cơ thể.
Sau nhiều bữa lẩu chắc chắn sẽ có những dĩa rau thừa, thói quen của chị em là sẽ tiếp tục chế biến chúng thành những món ăn khác. Nhưng các loại lá rau mềm như rau muống, mồng tơi, rau cần, rau lang…lại rất giàu sắt và Nitrat. Khi đun nóng, các nitrat sẽ biến đổi thành nitrit – một trong những chất gây ung thư có hại cho sức khỏe.
Các món nộm được coi là thực phẩm giải ngán ngày Tết, chúng có vị thanh mát, không cần nhiệt độ để nấu chín, hơn nữa được trộn bởi vô số nguyên liệu bao gồm rau, thịt, giấm, ớt, đường, mắm... Vì vậy vi khuẩn rất dễ sản sinh trong thực phẩm này nếu được bảo quản quá lâu. Thậm chí, món nộm được bảo quản không đảm bảo vệ sinh có thể gây hại cho đường ruột hoặc gây ngộ độc.
Hải sản như tôm, cua, cá... sẽ chỉ ngon và bổ dưỡng nhất khi tươi sống và ăn ngay sau khi chế biến. Nếu để qua đêm, hải sản không còn tươi ngon, không chỉ bốc ra mùi khó chịu mà còn tạo ra nhiều sản phẩm phân hủy protein, khiến gan và thận bị tổn thương.
Đặc biệt, hải sản để qua đêm sẽ sinh ra rất nhiều vi khuẩn, dù đun sôi nhiều lần thì vi khuẩn cũng không thể tiêu diệt hết được, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn.
Nấm và mộc nhĩ là 2 nguyên liệu quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết. Không thể phủ nhận 2 loại thực phẩm này bổ dưỡng và đem lại hương vị ngon lành cho món ăn, nhưng khi để qua đêm, thành phần protein phức tạp trong chúng có thể gây hại cho hệ tiêu hóa .
Ngoài ra, nấm và mộc nhĩ cũng chứa nhiều nitrat, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành nitrosamine nguy hiểm.
Mặc dù thịt gà hâm nóng lại là chuyện hết sức bình thường, nhưng thực tế nó gây ra các bệnh về hệ tiêu hóa. Lý do là hàm lượng Protein trong thịt gà cao hơn so với thịt đỏ, khi được hâm nóng lại, các Protein sẽ bị phân hủy và kết hợp với những chất khác có trong dạ dày, gây ra hiện tượng đau bụng, chướng hơi, khó tiêu hoặc bị tiêu chảy.
Để khỏi lãng phí, thịt gà ăn không hết bạn có thể chế biến thành món dễ ăn khác như: nấu cháo, súp, gà xé phay, canh miến...
Nếu được bảo quản ở nhiệt độ ngoài thay vì được làm lạnh ngay sau khi chế biến, thì nhiệt độ hâm nóng sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn Botulism. Đây là một loại vi khuẩn khó tiêu diệt dù ở nhiệt độ cao. Do đó, nếu không dùng đến cần bảo quản lạnh ngay, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn.