Thường xuyên nâng vật nặng sai cách, ít vận động, ăn nhiều dẫn tới béo phì... đều có thể gây thoát vị đĩa đệm.
1. Tư thế xấu
Duy trì tư thế xấu, như khom lưng hay nghiêng vẹo, trong thời gian dài có thể gây áp lực lớn lên cột sống, dẫn đến thoát vị đĩa đệm hoặc làm cho tình trạng hiện tại trở nên tồi tệ hơn. Thói quen này phổ biến với những người dành nhiều giờ ngồi tại bàn làm việc hoặc sử dụng thiết bị điện tử.
Mẹo để cải thiện:
- Thiết lập công thái học: Đảm bảo không gian làm việc được thiết lập để hỗ trợ tư thế tốt.
- Nghỉ ngơi thường xuyên, đứng dậy, duỗi người và đi bộ.
- Sửa tư thế: Sử dụng đệm hỗ trợ thắt lưng và tập ngồi thẳng lưng, thả lỏng vai.
2. Thiếu tập thể dục
Lối sống ít vận động có thể làm suy yếu các cơ hỗ trợ cột sống, khiến nó dễ bị thương và phát triển các vấn đề về đĩa đệm.
Mẹo để cải thiện:
- Tập thể dục thường xuyên giúp cột sống khỏe mạnh bằng cách tăng cường các cơ vùng trung tâm.
- Kết hợp các bài tập kéo giãn và tăng cường độ dẻo dai vào thói quen hàng ngày để giữ cho cột sống linh hoạt.
- Chọn các hoạt động ít tác động lên đĩa đệm như đi bộ, bơi lội hoặc yoga.
3. Kỹ thuật nâng không đúng cách
Nâng vật nặng không đúng cách có thể gây căng thẳng cho lưng và dễ dẫn đến chấn thương đĩa đệm. Đây là nguyên nhân phổ biến gây thoát vị đĩa đệm, đặc biệt ở phần lưng dưới.
Mẹo để cải thiện:
- Học và thực hành các kỹ thuật nâng vật thích hợp, chẳng hạn như uốn cong đầu gối và giữ lưng thẳng.
- Đừng ngần ngại yêu cầu trợ giúp khi nâng vật nặng.
- Sử dụng dụng cụ nâng và hỗ trợ khi cần thiết để tránh gây căng thẳng cho lưng.
4. Ăn nhiều dẫn tới thừa cân và béo phì
Trọng lượng cơ thể dư thừa, đặc biệt là xung quanh bụng, có thể gây thêm áp lực lên cột sống, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về đĩa đệm. Áp lực bổ sung này có thể khiến đĩa đệm bị mòn nhanh hơn.
Mẹo để cải thiện:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát cân nặng.
- Tập thể dục thường xuyên: Kết hợp hoạt động thể chất vào thói quen hàng ngày để giữ dáng và giảm căng thẳng cho cột sống.
- Nếu cần, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch quản lý cân nặng.
5. Hút thuốc
Hút thuốc có thể làm giảm lưu lượng máu đến cột sống, làm mất các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của đĩa đệm. Điều này có thể đẩy nhanh quá trình hao mòn đĩa đệm cột sống và tăng nguy cơ thoát vị.
Mẹo để cải thiện
- Bỏ thuốc lá: Tìm kiếm sự giúp đỡ để bỏ thuốc lá thông qua các chương trình cai thuốc, dùng thuốc men hoặc có một nhóm hỗ trợ.
- Thay thế thói quen hút thuốc lá bằng những hoạt động lành mạnh, chẳng hạn như tập thể dục hoặc phát triển sở thích.
- Hệ thống hỗ trợ: Hãy giao lưu cùng bạn bè và gia đình để duy trì lối sống không khói thuốc.
6. Thờ ơ với những cơn đau lưng
Việc bỏ qua hoặc tự điều trị đau lưng mà không tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể khiến tình trạng thoát vị đĩa đệm và các vấn đề về cột sống khác trở nên trầm trọng hơn. Chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa tổn thương.
Mẹo để cải thiện:
- Tìm lời khuyên y tế: Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bị đau lưng dai dẳng hoặc dữ dội.
- Thực hiện theo phác đồ điều trị: Tuân thủ phác đồ điều trị và các cuộc hẹn tái khám.
- Thực hiện các bước chủ động để kiểm soát chứng đau lưng, chẳng hạn như vật lý trị liệu hoặc thay đổi lối sống.
>> Vì sao người trẻ bị thoát vị đĩa đệm?
Hằng Trần