Đến Shark Tank mùa 7 gọi vốn 6,18 tỷ đồng cho 6,18% cổ phần, EVSELab – đơn vị sản xuất sạc xe điện tự tin khẳng định nhiều thế mạnh về công nghệ, song, không được các cá mập rót vốn vì không có chiến lược kinh doanh rõ ràng.
Startup cuối cùng gọi vốn tại Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 11 là EVSELab – đơn vị sản xuất sạc xe điện.
Theo tiến sĩ Nguyễn Duy Đỉnh, Giám đốc công nghệ và Đồng sáng lập EVSELab, cứ mỗi năm có 400.000 xe điện đăng ký mới, tỷ lệ tăng trưởng mỗi năm là 10 - 16%.
Trong số 4,6 triệu xe hiện có trên thị thường có khoảng 80% người dùng là học sinh - sinh viên. Đây là nhóm đối tượng luôn thường trực nỗi lo về cháy nổ, bởi theo thống kê, 60% số vụ cháy nổ xe điện là liên quan đến quá trình sạc.
Đến Shark Tank, đội ngũ sáng lập mang đến giải pháp sạc PRO-E dành cho xe máy điện. Founder của startup này cho biết, bộ sạc này có chín tính năng an toàn và bốn tính năng thông minh.
Cụ thể, với 5% hiệu suất tăng thêm cho mỗi bộ sạc, EVSELab có thể tiết kiệm được 600 số điện cho một đội xe vận chuyển hàng 100 xe. Nếu xét trên quy mô một triệu bộ, số tiền điện tiết kiệm được sẽ tương đương với một nhà máy thủy điện nhỏ.
“Sản phẩm dùng công nghệ sạc cho ô tô để áp dụng cho xe máy nên an toàn hơn. Về mặt thông minh, có bốn chế độ sạc thay vì hai chế độ sạc như các bộ sạc thông thường. EVSELab áp dụng kỹ thuật điều khiển thông minh để giảm độ gợn sóng của dòng điện, kéo dài tuổi thọ của pin”, ông Đỉnh nói thêm.
Để phân phối sản phẩm ra thị trường, hai kênh bán hàng EVSELab định hướng triển khai là B2C và D2C. Kế hoạch năm 2024 sẽ bán khoảng 10.000 bộ, năm 2025 sẽ khoảng 60.000 bộ, năm 2026 sẽ dự kiến là khoảng 200.000 bộ.
Cơ sở của số liệu này dựa vào quy mô của ba đơn vị đang phân phối sản phẩm cho EVSELab. Đơn vị thứ nhất có 29 cửa hàng toàn quốc, đơn vị thứ hai có 20 cửa hàng, đơn vị thứ ba có 3 đại lý tại Hà Nội. Những người tư vấn bán hàng của 3 đơn vị này hoàn toàn có thể bán được sản phẩm dựa vào các thông số kỹ thuật của EVSELab. Trong 600 sản phẩm EVSELab đưa ra thị trường có 400 sản phẩm đang nằm trên kệ của ba đơn vị lớn nhất về xe máy điện tại Hà Nội.
Giá bán EVSELab hiện tại cao hơn 20% so với sản phẩm trên thị trường, 1 triệu đồng/bộ. Biên lợi nhuận dạng bán hàng theo gói là 20%, còn cho khách hàng thì khoảng 40% cho mỗi sản phẩm. Tuy nhiên lợi nhuận này chưa trừ chi phí marketing, nếu thêm marketing lợi nhuận sẽ thấp hơn.
Đến Shark Tank Việt Nam, doanh nghiệp mong muốn kêu gọi đầu tư là 6,18 tỷ đồng cho 6,18% cổ phần.
Nói nhiều về công nghê, tuy nhiên, startup vẫn chưa có được chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật từ bên thứ ba. Do đó, Shark Nga chia sẻ sau chương trình sẽ hỗ trợ startup về vấn đề chuẩn hóa sản phẩm đạt chuẩn quốc tế hoặc đạt chuẩn Việt Nam để có thể tự tin thuyết phục khách hàng dùng sản phẩm của EVSELab.
Bà Nga cũng nói thêm, sẽ cân nhắc đầu tư sau khi startup đồng ý làm theo những quy định đó..
Còn Shark Tillman Schulz lại cho biết hơi thất vọng về chiến lược bán hàng và mô hình kinh doanh của EVSELab. Đội ngũ sáng lập giỏi về công nghệ nhưng chưa biết cách bán hàng nên quyết định không đầu tư.
Cùng ý kiến với Shark Tillman Schulz, Shark Minh Beta đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ sáng lập. Chủ tịch Beta Group chia sẻ, EVSELab bản chất là một mặt hàng tiêu dùng, để thành công đội ngũ sáng lập cần có sự hiểu biết về thị trường, đối thủ cạnh tranh và khách hàng. Ở thời điểm hiện tại, EVSELab chỉ có sản phẩm, tuy nhiên, trong kinh doanh đây chỉ là một yếu tố nhỏ.
Đồng quan điểm, Shark Phi Vân cũng đánh giá EVSELab mạnh về phát triển sản phẩm nhưng hổng về phần thị trường. “Nếu EVSELab sáp nhập với một công ty lớn đang làm về xe điện , có thể hướng phát triển ra thị trường sẽ sáng hơn rất là nhiều so với việc phải tự đi phát triển đại lý lý, phát triển affiliate, làm marketing… ”, Shark Vân nói.
Là “cá mập” ra quyết định cuối cùng, Shark Bình đánh giá cao cũng như khuyến khích tinh thần những startup dám nghiên cứu, dám sản xuất những sản phẩm thương hiệu Việt như EVSELab.
Về sản phẩm, ông nhận định sản phẩm tiết kiệm điện nhưng số điện tiết kiệm được trên một xe không nhiều, trong khi giá bán lại đắt hơn 20%. Đồng thời, khẩu vị đầu tư của cá mập này nằm ở những sản phẩm có khả năng quay vòng nhanh “hai tuần dùng một lần hoặc thậm chí hai ngày dùng một lần” . Trong khi, EVSELab hai năm mới thay một lần. Do đó, Shark quyết định không đầu tư.
Với 5 lời chối, thương vụ đã khép lại và EVSELab chưa có được “cái bắt tay” từ các cá mập.