PLBĐ - Theo kết quả nghiên cứu mới đây, gần 2/3 số người có các triệu chứng COVID-19 dai dẳng trong 2 năm đầu tiên của đại dịch là phụ nữ.
Tình trạng COVID-19 kéo dài thường gặp ở phụ nữ
Đây là kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Journal of the American Medical Association. Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu chi tiết từ các nghiên cứu COVID-19 đang được thực hiện ở Mỹ, Áo, Quần đảo Faroe, Đức, Iran, Ý, Hà Lan, Nga, Thụy Điển và Thụy Sĩ, và được thực hiện như một phần của Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật, thương tích và các yếu tố nguy cơ toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu bao gồm hàng chục nhà nghiên cứu ở hầu hết các châu lục, đã phân tích dữ liệu từ 54 nghiên cứu và 2 cơ sở dữ liệu bao gồm hơn 1 triệu bệnh nhân ở 22 quốc gia bị mắc COVID-19 có triệu chứng vào năm 2020 và 2021. Họ đã xem xét 3 nhóm triệu chứng COVID-19 kéo dài xuất hiện ở bệnh nhân, bao gồm: mệt mỏi dai dẳng với đau nhức cơ thể hoặc thay đổi tâm trạng, các vấn đề về hô hấp và các vấn đề về nhận thức. Nghiên cứu gồm những người từ 4 đến 66 tuổi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhìn chung, 6,2% số đối tượng nghiên cứu bị một trong 3 nhóm triệu chứng COVID-19 kéo dài. Cụ thể 3,7% đang bị các vấn đề về hô hấp, 3,2% bị mệt mỏi dai dẳng và đau nhức cơ thể hoặc thay đổi tâm trạng, và 2,2% bị các vấn đề về nhận thức. Trong số những người bị tình trạng COVID-19 kéo dài, 38% số người có trên 1 nhóm triệu chứng.
Tại thời điểm 3 tháng sau khi mắc COVID-19, tỷ lệ có các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở phụ nữ ≥ 20 tuổi cao gần gấp đôi so với ở nam giới ≥ 20 tuổi (tương ứng là 10,6% và 5,4%).
Trẻ em và thanh thiếu niên dường như có nguy cơ bị COVID-19 kéo dài thấp hơn. Khoảng 2,8% bệnh nhân < 20 tuổi mắc COVID-19 có triệu chứng sau đó dẫn đến các vấn đề rối loạn lâu dài.
Thời gian ước tính trung bình các triệu chứng COVID-19 kéo dài là 9 tháng ở những bệnh nhân nhập viện và 4 tháng ở những người không nhập viện. Khoảng 15% những người có các triệu chứng COVID-19 kéo dài 3 tháng sau lần mắc COVID-19 đầu tiên tiếp tục có các triệu chứng sau 12 tháng.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 6% những người mắc COVID-19 có triệu chứng bị tình trạng COVID-19 kéo dài vào năm 2020 và 2021. Nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài dường như cao hơn ở những người phải nhập viện, đặc biệt là những bệnh nhân cần hồi sức tích cực.
COVID-19 kéo dài cần được quan tâm và nghiên cứu thêmTheo các nhà khoa học, nghiên cứu mới cũng có những hạn chế, bao gồm giả định rằng COVID-19 kéo dài diễn ra theo một quá trình tương tự nhau ở tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, các nghiên cứu bổ sung có thể sẽ cho thấy các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của COVID-19 kéo dài thay đổi khác nhau giữa các quốc gia và châu lục.
Các chuyên gia cho biết: "Hội chứng mệt mỏi sau nhiễm trùng đã được báo cáo trước đây, cụ thể là trong đại dịch cúm năm 1918, sau dịch SARS bùng phát năm 2003 và sau đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014".
"Các triệu chứng tương tự đã được báo cáo sau khi mắc các bệnh nhiễm virus khác, bao gồm virus Epstein-Barr, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân và bệnh sốt xuất huyết, cũng như sau khi mắc các bệnh nhiễm trùng không do virus như sốt Q, bệnh Lyme và bệnh Giardia" – các chuyên gia cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, các nghiên cứu đang thực hiện với số lượng lớn người bị COVID-19 kéo dài có thể giúp các nhà khoa học và các nhà chức trách y tế hiểu rõ hơn về các yếu tố nguy cơ và cách điều trị tình trạng suy nhược sau mắc COVID-19.
"Việc xác định số trường hợp bị COVID-19 kéo dài có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ các dịch vụ để hướng dẫn bệnh nhân phục hồi, trở lại làm việc hoặc trở lại học tập bình thường, giúp phục hồi sức khỏe tâm thần và đời sống xã hội của bệnh nhân" – các chuyên gia nhấn mạnh.