GĐXH – Dưới đây là những món ăn gia đình thường ngày, nhưng chỉ cần cho thêm lá mơ lông hoặc ăn kèm lá mơ trở nên ngon đặc sắc và bổ dưỡng hơn hẳn.
Theo Bác sỹ Trương Quang Hải, Trung tâm Y tế Mediplus, trong y học cổ truyền, lá mơ lông có vị đắng mát. Có tác dụng kiện tỳ, hóa thấp thanh nhiệt, sát trùng, tiêu viêm, hoá đàm, khu phong.
Theo Sách Dược tính chỉ nam, lá mơ lông có vị ngọt bùi, hơi cay không độc, công hiệu bổ được hư lao, bổ trung ích khí, ích tinh, sát trùng, ích vị, bền chắc ruột già. Có công dụng chữa chứng đau bụng đi ngoài rất hay, dùng nước cốt bôi đắp chỗ sưng đau, hoặc chỗ sâu bọ cắn đều tốt.
Ngoài ra, lá mơ lông còn hỗ trợ chữa chứng kiết lỵ, đi ngoài ra máu mủ, các chứng trẻ em cam tích, bụng đầy tiêu hóa kém, viêm gan, viêm ruột, phong thấp, đau khớp, ho đàm, viêm phế quản, dùng dưới dạng hái lá ăn sống hoặc ăn kèm thịt cá, thái nhỏ đúc trứng gà ăn, - BS Trương Quang Hải cho biết thêm.
Nhờ tốt cho sức khỏe nên lá mơ lông từ xưa đã được ông bà ta dùng vào chế biến món ăn và ăn kèm với các món ăn. Đặc biệt, một số món ăn dưới đây khi dùng kèm với lá mơ thì không chỉ bổ dưỡng mà còn tạo hương vị ngon hơn hẳn.
1. Lá mơ lông cuốn nem rán
Nem rán là món ăn truyền thống của người Việt. Chúng ta thường ăn kèm với các loại rau thơm và chấm với nước mắm tỏi ớt chua ngọt đã ngon đặc sắc rồi. Nhưng ít ai biết rằng, món nem rán này khi cắt nhỏ ra rồi cuốn với lá mơ lông, chấm nước mắm nem cũng tạo ra một vị rất riêng biệt – đó là vị lá mơ bùi bùi, ăn kèm chả nem giòn rụm được chấm ngập nước mắm chua ngọt. Cũng giảm bớt độ ngấy của chả nem nhưng bùi bùi rất ngon.
2. Lá mơ lông rán với trứng gà
Món ăn này rất quen thuộc rồi, các bạn có thể rán lá mơ hoặc hấp lá mơ cùng với trứng gà đều bùi ngon như nhau.
3. Lá mơ cuốn lưỡi heo luộc chấm mắm ớt/mắm tôm/mắm nêm
Món này hẳn là sự sáng tạo của các bà nội trợ thích ăn lá mơ lông. Lưỡi heo mềm ngọt thái miếng vừa, cuốn cùng lá mơ ăn rất bùi và cuốn. Các bạn có thể cuốn thêm lát gừng hoặc lát riềng thái mỏng rồi chấm mắm ớt cũng ngon nhé.
4. Lá mơ cuốn thịt luộc chấm mắm tôm
Món này về cơ bản không khác món lưỡi lợn cuốn lá mơ phía trên. Nhưng theo một số đầu bếp tại gia cho biết khác biệt ở chỗ chấm mắm tôm ngon dậy vị hơn nhé.
5. Lá mơ cuốn nem tai/ nem bì lợn chấm mắm ớt pha loãng
Món ăn kèm lá mơ này thì ai cũng biết rồi. Nó không thể thiếu lá mơ cuốn kèm. Ngoài ra 2 loại lá không thể thiếu khác là lá sung và lá đinh lăng.
6. Cá kho lá mơ
Nghe có vẻ lạ tai nhưng cá kho lá mơ ăn rất thơm và ngậy. Cá lên màu rất đẹp. Không có mùi lá mơ nhưng ăn lá mơ lại ngon hơn ăn cá vì độ bùi còn nguyên và còn đượm thêm vị ngọt của nước kho cá.
7. Trứng cá om mẻ cuốn lá mơ lông
Có thể nói ai nghĩ ra món ăn này thật sáng tạo! Các bạn kho trứng cá với mẻ, sau đó cuộn lá lốt, lá mơ, rau thơm với trứng cá rồi chấm tương ớt, ăn rất ngon vì nó được nhân đôi vị béo bùi lên đấy.
Như vậy, có thể thấy, với hương nồng và vị bùi của lá mơ lông, các món ăn thường ngày ở trên sẽ trở nên ngon hơn hẳn khi ăn kèm loại lá này. Các bạn hãy bắt tay vào làm cho gia đình và bạn bè cùng thưởng thức nhé! Tuy nhiên, những ai không ăn được lá mơ lông cần tránh các món ăn này.
Cũng theo BS Trương Quang Hải, có một số món ăn bài thuốc từ lá mơ dưới đây. Tuy nhiên, bài thuốc từ lá mơ lông thường chỉ có tác dụng với những trường hợp bệnh nhẹ. Nếu các triệu chứng bệnh đường ruột đã nghiêm trọng hoặc dùng thuốc một thời gian mà không thấy hiệu quả, các bạn cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.
* Hỗ trợ chữa phong thấp đau khớp: Mơ lông cả dây phơi khô 30-40g, sắc nước uống.
* Hỗ trợ chữa đau dạ dày: Lá mơ tươi khoảng 50g, sắc nước uống nhiều ngày.
* Chữa kiết lỵ: Dùng từ 30-50g lá mơ thái nhỏ trộn với 1-2 quả trứng gà bọc vào lá chuối hoặc đưa lên chảo rán chín thơm là ăn được ngày 2-3 lần, dùng 5-7 ngày.
* Lá mơ lông chữa hội chứng ruột kích thích: Trứng chiên lá mơ lông: Dùng khoảng 50g lá mơ lông tươi, rửa sạch. Khi lá đã ráo nước, bạn thái nhỏ lá. Sau đó, dùng 2 lòng đỏ trứng gà để trộn với lá mơ lông. Để chảo lên bếp và lót lá chuối lên chảo và sau đó đổ hỗn hợp vừa trộn vào chảo, lật đều để chín cả 2 mặt.
Bạn có thể ăn cùng với cơm. Nên thực hiện đến khi nào triệu chứng bệnh thuyên giảm.