7 tác dụng phụ của việc bổ sung dầu cá

08/07/2024 08:38

Bổ sung dầu cá tuy có lợi cho sức khỏe nhưng cũng có thể cản trở đông máu, gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng kiểm soát đường huyết.

Bổ sung dầu cá giúp tăng cường trí não, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm viêm... Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào, điều quan trọng là phải cân nhắc các rủi ro và lợi ích với sự trợ giúp của bác sĩ. Farhan Malik, chuyên gia y tế, bác sĩ về y học gia đình và y học thể thao, cho biết: "Không còn nghi ngờ gì rằng dầu cá cung cấp axit béo omega-3, mang lại những lợi ích quan trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, giống như bất kỳ chất bổ sung nào, dầu cá cũng có một số rủi ro tiềm ẩn".

Ông lưu ý các vấn đề rất có thể xảy ra khi bạn dùng liều quá cao. Malik chia sẻ với Best Life: "Nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt khi nói đến thực phẩm bổ sung. Hãy luôn thận trọng về liều lượng và độ tươi khi dùng dầu cá. Điều độ và chú ý đến chất lượng là điều quan trọng".

Dưới đây là 7 tác dụng phụ của dầu cá:

1. Cản trở quá trình đông máu

Jennie Stanford, bác sĩ chuyên về y học gia đình và bệnh béo phì, cho biết việc bổ sung dầu cá làm giảm sự kết tập tiểu cầu ở những người không có vấn đề về tuần hoàn. Các nghiên cứu gần đây đã điều tra xem liệu có nên dừng dùng dầu cá trước khi phẫu thuật hay không do nguy cơ chảy máu.

Đã gặp các vấn đề về đông máu trong lúc hành nghề, Malik lưu ý cần tuân thủ liều lượng khuyến nghị trên nhãn thực phẩm bổ sung. Cô nói: "Dùng quá nhiều dầu cá thực sự có thể dẫn đến các vấn đề về chảy máu. Tôi đã thấy nhiều bệnh nhân dễ bị chảy máu cam hoặc bầm tím hơn khi dùng dầu cá liều cao trong thời gian dài".

2. Gây rối loạn tiêu hóa

Stanford nói với Best Life: "Ở một số người, việc bổ sung dầu cá có thể gây buồn nôn, tiêu chảy, đầy hơi hoặc ợ hơi kèm theo dư vị tanh. Những tác dụng này nhìn chung là nhẹ và ít xảy ra hơn khi dùng viên hoặc viên nang dầu cá. Uống bổ sung dầu cá trong bữa ăn cũng làm giảm những tác dụng phụ này".

Ảnh: iStock
Ảnh: iStock

3. Có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết

Tùy thuộc vào sức khỏe của bạn, dùng dầu cá liều cao có thể có lợi hoặc hại đối với việc điều chỉnh lượng đường trong máu.

Stanford cho biết: "Bổ sung dầu cá được biết là cải thiện quá trình chuyển hóa lipid ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn lipid máu. Một ưu điểm khác của việc bổ sung dầu cá là cải thiện lượng đường huyết lúc đói và độ nhạy insulin, vì tình trạng suy giảm đường huyết lúc đói và tình trạng kháng insulin thường xảy ra với chứng rối loạn lipid máu".

Mặc dù sự cải thiện trong kiểm soát đường huyết này có lợi cho nhiều người, nó có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc hạ đường huyết. Stanford lưu ý: "Vì điều này, cần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu để phát hiện tình trạng hạ đường huyết và điều chỉnh liều lượng thuốc".

4. Có thể gây tương tác với các loại thuốc khác

"Bởi vì việc bổ sung dầu cá đã được chứng minh là làm giảm đông máu nên nó có thể tương tác với các thuốc làm loãng máu và chống tiểu cầu. Với các loại thuốc như aspirin, clopidogrel (Plavix), warfarin (Coumadin) và các loại thuốc chống đông máu khác, việc bổ sung dầu cá có thể làm tăng nguy cơ loãng máu và chảy máu bất lợi", Stanford cảnh báo.

5. Có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở một số người

Stanford cho biết: "Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung dầu cá có thể làm tăng nguy cơ những người khỏe mạnh phát triển chứng rung tâm nhĩ và sau đó là đột quỵ. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tim mạch và có khuynh hướng rối loạn nhịp tim (như rung tâm nhĩ), việc bổ sung dầu cá dường như làm giảm nguy cơ phát triển chứng rung tâm nhĩ và đột quỵ".

6. Dễ bị oxy hóa

Malik lưu ý rằng viên nang dầu cá có thể bị ôi thiu theo thời gian, đặc biệt nếu chúng không được bảo quản đúng cách. "Dầu cá ôi sẽ mất đi những lợi ích sức khỏe và thậm chí có thể chứa những hợp chất gây hại. Tôi khuyên bệnh nhân nên bảo quản dầu cá trong tủ lạnh và lưu ý ngày hết hạn để tránh uống phải những viên thuốc ôi. Ngửi viên dầu cá trước khi uống cũng là một cách tốt để kiểm tra độ tươi", anh nói với Best Life.

Bác sĩ cũng cảnh báo rằng dầu cá có thể rất dễ bị oxy hóa. "Nhiều chất bổ sung dầu cá bị oxy hóa trước khi bạn tiêu thụ chúng. Dầu bị oxy hóa có liên quan đến việc gia tăng căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm. Vì lý do này, tôi chỉ khuyến nghị các nhãn hiệu dầu cá dược phẩm, được sử dụng các phương pháp chế biến và đóng gói thích hợp nhằm ngăn chặn quá trình oxy hóa", Malik nói.

7. Có thể bị ô nhiễm

Cuối cùng, nhiều người bổ sung dầu cá thay vì ăn cá nhằm tránh tiêu thụ hàm lượng thủy ngân cao cũng như các chất độc hoặc chất gây ô nhiễm khác. Tuy nhiên, Malik cho biết nghiên cứu gần đây chỉ ra vẫn có nguy cơ bị ô nhiễm khi bạn dùng dầu cá ở dạng bổ sung.

"Cá có thể tích tụ các kim loại nặng như thủy ngân và các chất độc khác từ vùng nước bị ô nhiễm. Nếu dầu không được lọc và khử nhiễm đúng cách, những chất gây ô nhiễm này có thể tập trung trong các chất bổ sung. Tiêu thụ dầu cá bị ô nhiễm trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh. Tôi khuyên bạn nên lựa chọn những thương hiệu có uy tín tuân theo các biện pháp kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt", Malik nói.

Hướng Dương (Theo Best Life)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
7 tác dụng phụ của việc bổ sung dầu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO