Theo các chuyên gia Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống không chỉ ảnh hưởng đến nguy cơ béo phì, đái tháo đường và bệnh tim mà còn liên quan đến ung thư.
Trong những năm gần đây mối quan tâm của cộng đồng về tác động của chế độ ăn uống đối với nguy cơ ung thư và các bệnh khác đã trở nên phổ biến hơn.
Những gì chúng ta ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, theo hướng tích cực nếu ăn uống đủ chất, lành mạnh và theo hướng tiêu cực nếu ăn uống không lành mạnh. Một trong những ảnh hưởng tiêu cực đó có cả nguy cơ ung thư .
Cơ chế sinh học đằng sau các loại ung thư là khác nhau nhưng thủ phạm phổ biến là tình trạng viêm. Khi tình trạng viêm do chế độ ăn uống gây ra trở thành mạn tính. Viêm mạn tính xảy ra trong nhiều năm và các tế bào trở nên mất cân bằng, đột biến dẫn đến bệnh tật.
Những yếu tố khác là bao gồm lượng insulin cao lưu thông trong cơ thể xảy ra khi bị béo phì và trong giai đoạn đầu của bệnh đái tháo đường type 2 và một số chất béo nhất định.
Theo Giáo sư dinh dưỡng và dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Edward Giovannucci, tình trạng viêm nhiễm và insulin ở mức cao mạn tính có thể thúc đẩy ung thư, đó là tác động lớn nhất của chế độ ăn uống đối với bệnh ung thư.
Thực tế, viêm là phản ứng bình thường của cơ thể đối với nhiễm trùng, bệnh tật và chấn thương. Nếu phản ứng viêm xảy ra trong thời gian ngắn nhằm sửa chữa mô hoặc loại bỏ nhiễm trùng khỏi cơ thể gọi là viêm cấp tính. Nhưng nếu tình trạng viêm mạn tính tồn tại kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim, đái tháo đường và cả ung thư.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, viêm từ lâu đã được xác nhận là phản ứng của cơ thể đối với tổn thương mô và mối liên hệ của nó với nhiễm trùng đã được ghi nhận từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên, vai trò của viêm trong việc gây ung thư đã được công nhận gần đây hơn và mối quan hệ giữa chế độ ăn uống, tình trạng viêm và nguy cơ ung thư (cũng như bệnh tim và tử vong sớm) vẫn là một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển.
Sự kết hợp giữa các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên người đã xác định được một số loại thực phẩm và hóa chất trong đó thúc đẩy tình trạng viêm ở một số mô cơ thể. Đây là cơ sở của các chế độ ăn chống viêm , có một số đặc điểm chung như ăn nhiều rau, trái cây, ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị, nên ăn nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc mỗi ngày để giúp ngăn ngừa ung thư.
Những lợi ích sức khỏe đặc biệt của cà chua được nghiên cứu bao gồm các đặc tính chống ung thư của lycopene và các thành phần khác của cà chua như chất xơ, vitamin C và acid ferulic cấu thành phenolic.
Cà chua đặc biệt giàu chất chống oxy hóa gọi là lycopene, sắc tố tạo nên màu đỏ của cà chua. Nghiên cứu cho thấy, tác dụng chống oxy hóa mạnh của lycopene có thể hỗ trợ ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt bằng cách hạn chế sự phát triển của khối u.
Mặc dù chưa có nghiên cứu toàn diện trên người nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng lycopene và beta-carotene trong cà chua giúp làm giảm nguy cơ ung thư. Hai chất chống oxy hóa này đã được chứng minh có đặc tính chống ung thư trong các nghiên cứu ống nghiệm sử dụng tế bào.
Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các hợp chất có trong lá trà như polyphenol, catechin, theaflavin có thể làm giảm chứng viêm ở đường tiêu hóa và hệ tim mạch.
Chất chống oxy hóa tự nhiên catechin (EGCG) trong trà xanh giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào, làm giảm sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể. EGCG ức chế tình trạng viêm bằng cách giảm sản xuất cytokine gây viêm và làm hỏng các acid béo trong tế bào cơ thể.
Nho, đặc biệt là nho tím và nho đỏ, có chứa resveratrol có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh. Trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nó đã ngăn ngừa loại tổn thương có thể kích hoạt quá trình ung thư trong tế bào.
Các loại rau lá xanh đậm như cải xanh, rau diếp, cải xoăn, rau bina và cải cầu vồng có nhiều chất xơ, folate và carotenoid. Các chất dinh dưỡng này có thể giúp bảo vệ chống lại ung thư miệng, thanh quản, tuyến tụy, phổi, da và dạ dày.
Các loại quả mọng như: dâu tây, dâu đen, quả việt quất, quả mâm xôi… có chứa chất chống oxy hóa gọi là anthocyanins. Các hợp chất này có tác dụng chống viêm mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Chất chống oxy hóa có thể giúp chống lại bệnh ung thư bằng cách loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể trước khi chúng có thể gây hại cho các tế bào.
Lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa acid ellagic và punicalagin giúp bảo vệ tế bào khỏi bị tổn thương. Bằng cách chống lại tình trạng viêm và bảo vệ tế bào, lựu có thể đóng vai trò trong việc giảm nguy cơ phát triển nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư ruột kết.
Nghệ chứa dưỡng chất curcumin với đặc tính chống viêm tự nhiên mạnh và là chất chống ung thư tiềm năng. Nghệ có tác dụng hiệu quả với một số bệnh như: viêm ruột, ung thư, đái tháo đường, viêm khớp… Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy nó có thể ngăn chặn sự chuyển đổi, tăng sinh và xâm lấn của các tế bào ung thư đối với nhiều loại ung thư.