8 dấu hiệu chứng tỏ cơ thể thiếu chất béo

20/12/2023 00:01

Thường xuyên thấy đói, mệt mỏi, bị đau khớp, hay ốm vặt hay rụng tóc... là những dấu hiệu cho thấy chế độ ăn của bạn đang bị thiếu chất béo.

Theo chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Amanda Holtzer, chất béo là một chất dinh dưỡng đa lượng thiết yếu thực hiện nhiều chức năng trong cơ thể. Điều đó có nghĩa nếu bạn loại bỏ, đặc biệt là chất béo lành mạnh ra khỏi chế độ ăn uống, bạn có thể phá vỡ hệ thống cơ thể và gây hại cho sức khỏe của mình. Vậy làm thế nào để biết liệu mình có đang thiếu quá vi chất quan trọng này? Holtzer chỉ ra những dấu hiệu của việc cơ thể thiếu chất béo, bao gồm:

1. Thường xuyên thấy đói

8 dấu hiệu chứng tỏ cơ thể thiếu chất béo

Cơn đói dai dẳng là một dấu hiệu nhận biết rằng bạn đang thiếu chất béo. "Chất béo đóng một vai trò quan trọng trong cảm giác no", Holtzer nói.

Lý do là do chất béo làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày. Holtzer giải thích điều đó đồng nghĩa dạ dày của bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để làm rỗng các thức ăn trong ruột và tiêu hóa chúng. Và điều này giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Do đó, nếu đang bỏ qua chất béo thì bạn có thể cảm thấy đói ngay sau bữa ăn.

2. Luôn mệt mỏi

Chất béo cung cấp cho cơ thể bạn năng lượng dưới dạng calo. "Thật vậy, một gam chất béo chứa 9 calo", Holtzer nói, cho biết thêm con số này nhiều hơn gấp đôi lượng calo từ một gam carbs hoặc protein (mỗi gam carb hay protein cung cấp 4 calo).

"Vì vậy, nếu cắt giảm chất béo khỏi chế độ ăn uống, bạn có thể cắt giảm một lượng calo đáng kể, điều này có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi", Holtzer nói.

3. Đau khớp

8 dấu hiệu chứng tỏ cơ thể thiếu chất béo - 1

Nếu các khớp của bạn kêu cọt kẹt và cứng nhắc, thủ phạm có thể là do chế độ ăn thiếu chất béo lành mạnh.

Lý do là vì tình trạng viêm trong cơ thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau khớp, Holtzer nói. Và một số loại chất béo trong chế độ ăn uống - bao gồm chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa và axit béo omega-3 - có thể giúp giảm viêm và góp phần cải thiện sức khỏe khớp tổng thể. Vì vậy, khi bạn loại trừ chúng, khớp của bạn sẽ không có tác dụng chống viêm, bôi trơn.

4. Bị ốm thường xuyên hơn

Dù có tin hay không, không ăn đủ chất béo có thể khiến bạn bị bệnh. "Không ăn đủ chất béo trong chế độ ăn có thể gây ra sự thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng", Holtzer nói.

Lý do là gì? Một số loại vitamin tan trong chất béo chỉ có thể được hấp thụ cùng với chất béo trong chế độ ăn uống. Vì vậy, nếu không nhận đủ lượng, bạn không thể hấp thụ những chất dinh dưỡng này, Holtzer giải thích.

Và nếu không có các vitamin và khoáng chất thiết yếu - giúp cơ thể chống lại bệnh tật - bạn có thể dễ mắc bệnh hơn.

Lấy vitamin E tan trong chất béo làm ví dụ. Holtzer nói: "Vitamin E là một nguồn năng lượng chống oxy hóa trong cơ thể và bảo vệ các tế bào của chúng ta khỏi bị hư hại. Vì vậy, khi bạn không bổ sung đủ chất béo, hệ thống miễn dịch của bạn có thể yếu đi".

Và về lâu dài, việc thiếu chất béo thậm chí có thể cản trở sức khỏe tổng thể. Hãy nhớ rằng: Chất béo lành mạnh có tác dụng chống viêm. Vì vậy, nếu không có chúng, bạn có thể bị viêm nhiễm trong cơ thể nhiều hơn. Viêm mãn tính góp phần gây ra nhiều tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư.

5. Da khô

8 dấu hiệu chứng tỏ cơ thể thiếu chất béo - 2

Thiếu chất béo là nguyên nhân khiến gần đây làn da của bạn có vẻ kém mềm mại và dẻo dai hơn. Điều này là đúng, bởi một số chất béo nhất định đóng vai trò không thể thiếu đối với chức năng và vẻ ngoài của da.

Chẳng hạn, axit béo omega-3 và omega-6 là tiền thân của các phân tử gọi là eicosanoids, có ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng viêm da. "Và chất béo không bão hòa đa (như chất béo có trong cá hồi, quả óc chó và hạt lanh) giúp sản xuất và duy trì màng tế bào tạo nên hàng rào dầu tự nhiên của da", Holtzer nói thêm.

Nói cách khác, nếu bạn muốn có làn da sáng, mịn màng, hãy bắt đầu ăn chất béo lành mạnh.

6. Sương mù não (Kém tập trung và ghi nhớ)

Nếu gần đây bạn cảm thấy kém sắc bén hơn, có thể việc nạp vào cơ thể không đủ chất béo là nguyên nhân.

"Bạn có biết rằng bộ não con người có khoảng 60% là chất béo?" Holtzer nói. "Vì vậy, lý do là não cần chất béo là để hoạt động tốt nhất. Một chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa đơn (ví dụ: dầu ô liu, các loại hạt và bơ) có thể làm tăng sản xuất acetylcholine - chất dẫn truyền thần kinh cần thiết cho việc học tập và duy trì trí nhớ".

Tương tự, nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng cường tiêu thụ DHA (một loại axit béo omega-3 cụ thể) có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần như rối loạn thiếu tập trung (ADD), trầm cảm và rối loạn lưỡng cực.

Tất cả điều này có nghĩa là khi chế độ ăn uống của bạn thiếu chất béo lành mạnh, có khả năng não của bạn sẽ không hoạt động tối ưu.

7. Rụng tóc

8 dấu hiệu chứng tỏ cơ thể thiếu chất béo - 3

Nếu tóc của bạn khô và dễ gãy hoặc gần đây tóc rụng nhiều thì có thể nguyên nhân là do chế độ ăn thiếu chất béo.

Holtzer nói: "Cũng giống như phần còn lại của cơ thể, tóc cần một số chất dinh dưỡng nhất định để duy trì độ chắc khỏe và chất béo trong chế độ ăn uống nói riêng rất cần thiết cho sức khỏe của tóc".

Nhưng khi bạn không nạp đủ chất béo, da đầu của bạn sẽ bị ảnh hưởng. "Đó là bởi chất béo lành mạnh có thể giúp bôi trơn lớp sừng (tức là lớp ngoài cùng của da), giúp thúc đẩy quá trình hydrat hóa da đầu và cải thiện tính toàn vẹn của tóc", Holtzer nói.

8. Chu kỳ kinh nguyệt không đều

Ăn không đủ chất béo có thể khiến kinh nguyệt hàng tháng của bạn bị rối loạn. Nguyên nhân là vì sự mất cân bằng nội tiết tố có thể xảy ra khi bạn không nạp đủ chất béo, Holtzer nói.

Theo Tổ chức Nhận thức về Sức khỏe Phụ nữ, chất béo là thành phần tạo nên estrogen và progesterone. Vì vậy, nếu bạn không ăn đủ chất béo, nó có thể ảnh hưởng đến chu kỳ sinh sản bình thường, gây hiện tượng kinh nguyệt không đều hoặc nhiều, hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc không rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt.

Điều gì xảy ra nếu bạn không ăn chút chất béo nào?

Chất béo đóng vai trò then chốt trong nhiều chức năng của cơ thể. Nếu ăn một chế độ không có chất béo, bạn sẽ gặp nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hiện tại và về lâu dài.

Sự thiếu hụt vitamin là một ví dụ điển hình về hiệu ứng domino có hại, có thể lan truyền khắp cơ thể bạn khi bạn ngừng ăn chất béo.

Ngoài ra, nếu không ăn đủ chất béo để hấp thụ đúng cách các vitamin tan trong chất béo, bạn có thể gặp phải các vấn đề sau:

Thiếu hụt vitamin A

"Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, sự tăng trưởng và tăng sinh của các tế bào trong mắt", Holtzer nói. Cô cho biết, sự thiếu hụt có thể dẫn đến bệnh xeropthalmia (hay còn gọi là khô mắt nghiêm trọng), quáng gà và mờ mắt.

Thiếu hụt vitamin D

"Vitamin D không thể thiếu đối với sức khỏe của xương và nếu không có nó, cơ thể không thể hấp thụ canxi một cách hiệu quả, đây là chất dinh dưỡng cần thiết nhất cho xương và răng khỏe mạnh", Holtzer nói. Điều này có thể gây ra mật độ xương thấp hơn, khiến bạn dễ bị gãy xương và trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể phát triển thành bệnh loãng xương.

Thiếu vitamin E

"Như chúng ta đã biết, vitamin E được biết đến với đặc tính chống oxy hóa". Holtzer nói. "Về cơ bản, nó là đội quân của cơ thể, chiến đấu chống lại tác hại từ các gốc tự do". Chuyên gia cho hay ngoài hệ thống miễn dịch bị suy giảm, sự thiếu hụt vitamin E cũng có thể gây ra những vấn đề như tổn thương cơ hoặc thần kinh.

Thiếu vitamin K

"Vitamin K rất cần thiết cho quá trình đông máu", Holtzer nói."Sự thiếu hụt vitamin K có thể gây chảy máu đáng kể và làm tăng vết bầm tím".

Nên ăn bao nhiêu chất béo mỗi ngày để giữ sức khỏe?

Holtzer nói: "Lượng chất béo tham khảo trong chế độ ăn uống hàng ngày là khoảng 20 đến 35% tổng lượng calo. Nếu bạn ăn khoảng 2.000 calo mỗi ngày thì có vẻ như 400 đến 700 calo từ chất béo hoặc khoảng 44 đến 77 gram. Tuy nhiên, cơ thể cần nhận được hầu hết các chất béo này từ chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Bạn nên đặt mục tiêu hạn chế chất béo bão hòa ở mức dưới 10% lượng calo hàng ngày", Holtzer nói.

Theo chuyên gia, chất béo không bão hòa đơn bao gồm dầu ô liu, hạnh nhân, hồ đào, hạt bí, trong khi chất béo không bão hòa đa bao gồm quả óc chó, hạt lanh, cá hồi, cá thu. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung axit béo 0mega-3 từ cá cơm, cá chim lớn, cá mòi, trái bơ, trứng.

Hướng Dương (Theo Live Strong)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
8 dấu hiệu chứng tỏ cơ thể thiếu chất béo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO