Đông y có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm béo, giảm mỡ hiệu quả như dùng thuốc, điện châm, cấy chỉ, nhĩ châm… Bên cạnh đó, một số món ăn bài thuốc cũng được sử dụng để giảm mỡ, cân bằng lại âm dương cho cơ thể.
Cân nặng là kết quả của sự cân bằng giữa năng lượng đưa vào (từ thực phẩm) và năng lượng cơ thể tiêu hao cho các hoạt sống hàng ngày. Nếu dư thừa năng lượng sẽ được tích trữ dưới dạng mỡ, gây nên tình trạng thừa cân, béo phì . Thừa cân là yếu tố nguy cơ cao của hàng loạt bệnh lý như tăng huyết áp , đái tháo đường, bệnh mạch vành, đột quỵ…
Nằm lâu, ngồi lâu , vận động quá ít, khí ngưng trệ khiến việc vận hóa bị ngăn trở, mỡ tích tụ lại gây béo phì. Thất tình như vui quá, buồn quá, giận dữ quá… khiến can khí ứ trệ, can đởm mất sự điều tiết, ảnh hưởng sự vận hóa của tỳ, đồng thời làm dịch mật không thể tiết ra được, mỡ tích tụ gây béo phì.
Béo phì thường là bệnh trong hư, ngoài thực. Trong hư chủ yếu là khí hư, liên quan đến khí cơ các tạng: Tỳ, can, đởm, phế, tâm. Trường hợp nhẹ, người bệnh sinh hoạt bình thường.
Trường hợp trung bình và nặng, người bệnh mệt mỏi, sợ nóng, vã mồ hôi, hoạt động nhiều thì hồi hộp trống ngực, bụng đầy chướng, lưng đau, táo bón , suy giảm chức năng sinh dục, nữ có rối loạn kinh nguyệt…
Điều trị thừa cân, béo phì theo Đông y cần tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản: Thay đổi thói quen ăn uống, thay đổi lối sống và vận động thường xuyên, sử dụng phương pháp điều trị của y học cổ truyền. Tùy từng thể bệnh và tạng bị bệnh mà phương pháp điều trị khác nhau, lập lại cân bằng âm dương cho cơ thể.
Bên cạnh các phương pháp dùng thuốc, điện châm, cấy chỉ, nhĩ châm… thì áp dụng các món ăn bài thuốc đông y cũng có tác dụng tốt giúp giảm cân, giảm mỡ.
2.1. Cháo lá sen
Nguyên liệu: Lá sen 20 - 30g, gạo tẻ 100g. Lá sen sắc đặc lấy nước nấu cháo.
Theo y học cổ truyền, lá sen (liên diệp) có tác dụng thanh nhiệt, giải khát. Trong lá sen chứa quercetin là một flavonoid có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào, hạ đường máu và lipid máu, hạ huyết áp hiệu quả.
2.2. Trà sơn tra
Nguyên liệu: Sơn tra 30g. Sơn tra cho vào nước, đun lên uống.
Sơn tra có vị ngọt, chua, là một trong những vị thuốc có tác dụng tiêu tích, hoạt huyết, phù trợ chính khí tốt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sơn tra có tác dụng giảm mỡ máu tốt, nên thường dùng trong điều trị béo phì, mỡ máu cao.
Sơn tra kích thích bài tiết dịch vị, tăng cường tiêu hóa trong dạ dày, điều trị chứng đầy bụng do ăn nhiều đạm, dầu mỡ.
2.3. Trà sơn tra kết hợp thảo quyết minh, mạch nha
Nguyên liệu: Sơn tra 30g, thảo quyết minh 15g, mạch nha 30g, lá sen 3g, trà xanh 3g, đường phèn. Cho sơn tra, thảo quyết minh, mạch nha vào đun 1 giờ. Sau đó cho thêm lá sen, trà xanh vào, thêm đường phèn vừa đủ. Đun một lúc nữa rồi rót lấy nước uống thường xuyên thay trà.
Bên cạnh sơn tra, thảo quyết minh, mạch nha, lá sen, trà xanh đều là những vị thuốc có tác dụng giảm mỡ máu, trợ giúp các bệnh lý tim mạch, phòng ngừa xơ vữa động mạch …
2.4. Canh bí đao trần bì
Nguyên liệu: Bí đao 200g, gừng tươi 3 lát, trần bì 10g. Bí đao để nguyên vỏ và hạt, rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ. Nước đun sôi bỏ bí đao vào, thêm gừng, trần bì, muối rồi nấu đến khi mềm vừa ăn là được.
Bí đao hay còn gọi là đông qua, vị ngọt, hơi hàn, quy kinh phế, vị, tiểu trường, đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hóa đàm, trừ mủ, giải độc, trừ giun. Trong bí đao chứa nhiều chất khoáng và dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Đồng thời, bí đao thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đốt cháy các tế bào mỡ thành năng lượng một cách tối đa, từ đó thúc đẩy quá trình giảm cân.
Trần bì có công dụng kiện tỳ lợi thấp, kết hợp với gừng và bí đao có tác dụng giảm cân nhanh.
Ngoài ra, có thể dùng bí đao trong các món canh, món hầm hay kho, nấu hàng ngày như bí đao luộc, canh bí đao hầm xương, bí đao nấu vỏ bưởi, cháo bí đao…
2.5. Cháo củ mài
Nguyên liệu: Củ mài 30g, gạo tẻ 100g. Thêm củ mài tươi hoặc khô vào nấu cháo cho chín nhừ rồi dùng khi còn nóng.
Củ mài (hoài sơn) chứa lượng lớn protein, vitamin và các nguyên tố vi lượng, có thể ngăn chặn hiệu quả sự kết tủa của lipid máu trên thành mạch máu, từ đó ngăn ngừa các bệnh về mỡ máu, tim mạch. Trong y học cổ truyền, củ mài là vị thuốc có tác dụng ích thận khí, bổ dưỡng tỳ vị, thanh nhiệt sinh tân.
2.6. Canh rong biển nấu đậu xanh
Nguyên liệu: Rong biển 100g, đậu xanh 100g. Hai thứ đem nấu canh, cho gia vị vừa đủ, ăn khi còn nóng, ngày 1 lần.
Rong biển có nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, giàu dược tính, giảm mỡ máu, hạ huyết áp, thanh lọc cơ thể. Kết hợp cùng đậu xanh cũng có nhiều tác dụng trong điều trị tiêu khát, thanh nhiệt giải độc, hạ khí cho cơ thể.
2.7. Cháo bo bo hầm hạt sen
Nguyên liệu: Hạt bo bo ( ý dĩ ) 30g, hạt sen 20g, gạo tẻ 100g. Đem gạo tẻ nấu cháo, cho thêm hạt bo bo, hạt sen vào hầm cùng đến khi chín nhừ. Ăn ngày 2 lần khi còn nóng.
Nguồn chất xơ trong loại hạt ý dĩ làm tăng cảm giác no lâu hơn và kiểm soát cơn thèm ăn hiệu quả. Do đó, rất phù hợp với những ai đang trong chế độ ăn kiêng, giảm cân, giảm béo.
2.8. Trà ý dĩ
Nguyên liệu: 100g hạt ý dĩ. Đem ý dĩ sao vàng rồi đun sôi cùng 1 lít nước trong 20 phút. Nước ý dĩ để nguội có mùi thơm nhẹ, dùng uống hàng ngày như trà cũng có tác dụng tốt cho cơ thể.
2.9. Nước râu ngô
Nguyên liệu: Râu ngô một nắm. Đun sôi nước trong ấm, cho thêm một nắm râu ngô tươi vào đun thêm vài phút cho đến khi nước chuyển màu nâu thì tắt bếp. Lấy nước uống, có thể cho thêm chút chanh vào để tăng hương vị.
Trong Đông y, râu ngô vị ngọt, tính bình, quy vào can thận, có tác dụng lợi thủy tiết nhiệt, bình can lợi đởm. Râu ngô được dùng làm thuốc thông mật, điều trị vàng da phù nề, viêm gan, viêm túi mật, sỏi túi mật, thuốc lợi tiểu, tăng huyết áp…
Uống nước râu ngô đều đặn giúp giảm lượng đường trong máu, chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm béo hiệu quả.