Nhìn các bạn nữ nhảy dây, cô gái đã vẽ bức tranh với mơ ước được vui đùa trên chính đôi chân của mình, được tung tăng giống các bạn. Nhưng ước mơ đó dần trở nên xa vời với Thảo Nguyên.... 9 năm qua em phải nằm học trên lớp bằng xe lăn với nghị lực thật phi thường.
Ước mơ được đi trên đôi chân của mình
Đó là hoàn cảnh đáng thương của cô học trò nghèo Lê Thảo Nguyên (14 tuổi, đang học lớp 9A2 Trường THCS Nhơn Phong, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
Tìm về Trường THCS Nhơn Phong, chúng tôi tình cờ bắt gặp một phụ nữ dáng người mảnh khảnh, tay cầm hộp sữa đang đứng ở góc cầu thang cạnh phòng học của Thảo Nguyên. Theo giới thiệu của thầy Lê Văn Bảy, Phó Hiệu trưởng thì người phụ nữ đó là chị là Lương Thị Hương, dì của bé Thảo Nguyên.
Với các thầy cô giáo, hình ảnh chị Hương thay mẹ Thảo Nguyên hằng ngày đứng túc trực ở trường để chăm lo cho cháu sau mỗi tiết học giải lao đã trở thành quen thuộc.
Tuy nhiên, khi chúng tôi bắt chuyện thì chị Hương không muốn nói, vì...chị sợ mang tiếng. Chị kể, bản thân chị là phụ nữ đơn thân đang nuôi con ăn học. Hai năm trước, Đoàn Thanh niên xã Nhơn Phong và một nhóm nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh tìm về nhà trao quà. Sau đó, có người trong nhóm này hứa mỗi tháng sẽ hỗ trợ cho Thảo Nguyên 1 triệu đồng.
Lời hứa gió bay, từ đó đến nay dì cháu Thảo Nguyên không nhận được bất cứ đồng tiền nào của nhà hảo tâm, nhưng chị lại bị người đời đổ tiếng ác là dùng đứa cháu tật nguyền để kiếm tiền. Chị Hương kể lại câu chuyện trong sự uất nghẹn.
Suốt 9 năm Thảo Nguyên ngồi học trên xe lăn.
“Chẳng ai muốn con mình, cháu mình như vậy. Cha mẹ cháu đã làm mọi điều có thể để cho Nguyên có một cuộc sống tốt nhất. Vậy mà có người ác khẩu nói tôi giờ sướng rồi, nhờ đứa cháu tật nguyền mỗi tháng người ta cho 1 triệu đồng nên mới có tiền nuôi con gái ăn học.
Có ai biết, hằng ngày tôi nhận thêu từng bức tranh kiếm vài chục ngàn, còn con gái tôi cố gắng học để nhận học bổng, rồi đi rửa chén, bát, bưng bê cà phê thuê kiếm tiền học. Hai năm qua cuộc sống của gia đình tôi bị xáo trộn vì những điều tiếng chẳng hay”, chị Hương nói như khóc.
Thảo Nguyên ngồi học trên chiếc xe lăn và cứ xong 1 tiết hay có chuyện gì bất trắc thì người dì của em túc trực ở trường vào chăm sóc.
Mặc cho những lời cay đắng đổ xuống đầu chị, nhưng suốt 9 năm học qua dù mưa gió hay nắng cháy, chị Hương vẫn âm thầm đưa cháu đến trường. Cứ xong một tiết học chị lại lật đật chạy vào lớp cho Nguyên uống sữa, uống nước, chỉnh lại tư thế ngồi học cho đứa cháu tội nghiệp.
Chị bảo, nhiều khi cứ chạy ra vào lớp đang học phiền lắm, tôi nói cháu hay thôi nghỉ học đi con, chứ ảnh hưởng tới các bạn thì cháu khóc, không chịu.
Khi hỏi về ước mơ của Thảo Nguyên trong bức tranh mà em vẽ, đó là hình ảnh cô gái ngồi xe lăn, mắt nhìn về phía các bạn đang chơi nhảy dây, phía trên bức tranh là dòng chữ "Điều ước của Thảo Nguyên" với nội dung: “Ước gì mình có thể vui đùa trên chính đôi chân thì vui biết bao nhỉ!”.
Thảo Nguyên ngồi học trên chiếc xe lăn và cứ xong 1 tiết hay có chuyện gì bất trắc thì người dì của em túc trực ở trường vào chăm sóc.
Chia sẻ về ước mơ trong bức tranh, Thảo Nguyên gượng cười: “Đó là ước mơ của ngày xưa, còn bây giờ khác rồi, cháu không dám mơ điều đó nữa vì nó không đúng thực tế. Cháu biết bệnh tình của cháu giờ không thể bình phục để đi lại bình thường như các bạn nữa. Giờ đây, cháu chỉ mong ước mình có sức khỏe học cho đến đại học để cho cha mẹ, dì vui”.
Nói về Thảo Nguyên, thầy Lê Văn Bảy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Nhơn Phong chia sẻ: “Em Nguyên là học sinh khuyết tật, học hòa nhập. Hoàn cảnh gia đình thì khó khăn nhưng em có tinh thần ham học, rất hiếu học.
Thảo Nguyên giờ chẳng dám ước em sẽ tự đi bằng đôi chân của mình.
Những nỗ lực, cố gắng của em nhà trường luôn tạo điều kiện giúp đỡ em hoàn thành nhiệm vụ học tập. Riêng việc giúp đỡ về vật chất thì nhà trường không có nguồn kinh phí. Nhân đây tôi mong rằng các cơ quan, các đơn vị, đặc biệt báo Dân trí viết bài kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ cho em có điều kiện học tập”.
Cô gái 9 năm ròng ngồi học trên xe lăn
Thảo Nguyên là con gái út trong gia đình có 2 anh em. Cha là anh Lê Văn Bảng (44 tuổi) và mẹ là chị Lương Thị Hoa (43 tuổi). Cả hai vợ chồng công việc không ổn định, với việc làm công nhân cho một xưởng may tư nhân ở địa phương, lương tháng ba cọc ba đồng. Dù tằn tiện hết mức cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, bởi gánh nặng trên vai vợ chồng là tiền ăn học cho đứa con đầu đang học cao đẳng, đặc biệt là cô con gái út bị bại liệt nằm một chỗ.
Xong tiết học người mẹ lại chạy xe máy hàng chục cây số về chở Thảo Nguyên và dì vì em không tự ngồi được.
Theo gia đình, khi chào đời cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, Thảo Nguyên lớn nhanh qua từng ngày. Cho đến tròn 1 tuổi nhưng em chẳng có dấu hiệu chập chững tập đi.
Người mẹ sinh con đã dự cảm thấy một điều chẳng lành về cô con gái út bé bỏng. Gia đình liền đưa Thảo Nguyên đi bệnh viện khám, sau đó, bác sĩ chẩn đoán em có vấn đề về xương nên cho tập vật lý trị liệu nhưng sau thời gian dài tập luyện, điều trị vẫn không tiến triển.
Thảo Nguyên 2 năm trước còn có thể ngồi được.
Người mẹ nghèo bồng bế con gõ cửa nhiều bệnh viện tận TP Hồ Chí Minh với hy vọng có một phép màu sẽ đến với Thảo Nguyên. Để rồi đi đến đâu người mẹ cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ. Lực bất tòng tâm, người mẹ nghèo đành ôm con, ôm cả nỗi đau, nỗi bất hạnh của con và cả gia đình trở về quê.
“Điều trị ở Sài Gòn suốt mấy tháng trời, tình hình bệnh tật của cháu cũng cải thiện chút ít. Do chi phí điều trị, ăn ở đi lại rất tốn kém, khi khả năng tài chính không còn nên vợ chồng ngậm ngùi đưa con về nhà. Số phận con đã vậy rồi nên vợ chồng phải chấp nhận thôi. Suốt 14 năm qua, vợ chồng tôi dành hết sức lực, làm bất cứ điều gì có thể để lo cho con có cuộc sống tốt nhất”, chị Hoa ngậm ngùi.
Chị Hoa (mẹ Thảo Nguyên) khóc khi kể về con.
(Theo Dân trí)
https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/9-nam-ngoi-hoc-tren-xe-lan-co-gai-uoc-co-the-vui-dua-tren-chinh-doi-chan-cua-minh-20191206193028831.htm