9 quận, huyện ở Hà Nội có thể bị mất nước cục bộ trong mùa Hè 2023

29/05/2023 07:05

GĐXH - Sở Xây dựng dự báo nhu cầu sử dụng nước mùa hè và năm 2023 có thể xảy ra mất nước cục bộ trên địa bàn một số quận, huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố  Hà Nội đạt khoảng 1.530.000m3/ngày-đêm.

Với tổng công suất này, cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân trên địa bàn TP Hà Nội trong phạm vi cung cấp của hệ thống cấp nước. 

Bởi dự kiến thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè năm nay, nhu cầu sử dụng nước khoảng 1.250.000 – 1.350.000m3/ngày-đêm.

9 quận, huyện ở Hà Nội có thể bị mất nước cục bộ trong mùa Hè 2023 - Ảnh 2.

Sở Xây dựng dự báo nhu cầu sử dụng nước mùa hè và năm 2023 có thể xảy ra mất nước cục bộ trên địa bàn một số quận, huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa.

Tuy nhiên, khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch tại các khu vực đô thị, đặc biệt là khu vực quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông đang sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước mặt sông Đà. Trong khi công suất nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 hiện nay đã chạy theo công suất thiết kế trung bình và giá mua buôn nước sạch từ nguồn gốc nước sạch sông Đuống cao hơn nguồn nước sạch sông Đà.

Khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguồn cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà cung cấp theo công suất thiết kế trung bình của nhà máy mà không đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong phạm vi cấp nước, hoặc gián đoạn cấp nước (trường hợp sự cố)... sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ.

Đặc biệt là tại khu vực cuối nguồn, khu vực cốt địa hình cao, những khu vực sử dụng nguồn của nhà máy nước mặt sông Đà như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai...

Theo Sở Xây dựng, hiện nay, 12 quận nội thành và khu vực các xã ven đô chủ yếu do các Công ty: TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, Cổ phần sản xuất và kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội, Cổ phần Viwaco, TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp dịch vụ cấp nước.

Sở Xây dựng nhận định khả năng thiếu nguồn cung nước, thiếu nước trong mùa Hè năm 2023 có thể xảy ra đối với các khu vực có vị trí bất lợi, cuối nguồn, cốt địa hình cao, khu vực nằm trong vùng bãi ngoài đê xa nguồn cấp, khu vực cuối nguồn…

9 quận, huyện ở Hà Nội có thể bị mất nước cục bộ trong mùa Hè 2023 - Ảnh 3.

Mặc dù mới bắt đầu bước vào mùa Hè, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đã có thông báo tạm ngừng cấp nước vào đêm ngày 7/5 và 8/5/2023 do Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà giảm áp, ngừng cấp để thi công đấu nối. (Ảnh cư dân KĐT Dương Nội cung cấp).

Riêng Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông hiện đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho khoảng 200.000 khách hàng tại khu vực quận Hà Đông, một phần quận Nam Từ Liêm và một số xã thuộc huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên… với nhu cầu nước trung bình khoảng 155.000m3/ngày-đêm trên 160.000m3/ngày-đêm tổng sản lượng.

Tuy nhiên, nguồn nước tự sản xuất chiếm khoảng 64.000m3/ngày-đêm. 

Vào mùa hè, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, trong khi công suất nguồn từ nhà máy nước mặt sông Đà không đáp ứng và thời gian cao điểm, hoặc xảy ra sự cố với đường ống nước sạch sông Đà thì một phần địa bàn do công ty này cung ứng đều bị ảnh hưởng (khoảng 35% khách hàng).

Mặc khác, nguồn nước ngầm suy giảm, khai thác hạn chế dẫn tới thiếu hụt về nguồn cung cấp trên địa bàn khu vực Hà Đông.

Theo Sở Xây dựng, có nhiều nguyên nhân dự báo tình huống khả năng xảy ra mất nước cục bộ trong mùa hè năm nay. 

Đầu tiên, do nhu cầu sử dụng nước thời điểm nắng nóng, mùa hè, khách hàng mới tại các đô thị dẫn tới nhu cầu nước tăng.

Thứ hai, do nguồn nước sông Đà giai đoạn 1 hiện nay đang chạy với công suất thiết kế trung bình. Giai đoạn 2 chưa hoàn thành, nhu cầu sử dụng nguồn nước trong phạm vi cấp nguồn của nhà máy nước mặt sông Đà cao dẫn tới thiếu hụt.

Thứ ba, nhà máy nước mặt sông Hồng giai đoạn 1 công suất 300.000m3/ngày-đêm chưa hoàn thành.

Thứ tư, giá bán buôn nước mặt sông Đuống cao hơn giá bán buôn nước mặt sông Đà nên Công ty Viwaco tập trung khai thác tối đa công suất của nhà máy nước mặt sông Đà, dẫn tới khu vực có cốt địa hình cao như Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức thiếu nguồn ở điều kiện bình thường.

Thứ năm, các giếng khai thác nước ngầm sau thời gian hoạt động có thể suy thoái, giảm lưu lượng và chất lượng, thực hiện giảm ngầm theo định hướng quy hoạch.

Thứ sáu, nguồn cấp có thể bị gián đoạn do sự cố, bảo dưỡng sửa chữa…

Trước đó, Sở Tài chính đã có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

Trong đó, Sở Tài chính đề xuất UBND TP tăng giá nước sạch từ trung bình 8.300 đồng/m3 lên 11.911 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm nay và 13.323 đồng/m3 trong năm 2024 (tương ứng 12% so với 6 tháng cuối năm 2023).

Như vậy, với nước sinh hoạt, cứ tiêu thụ từ 0-10m3(hộ/tháng), giá phải trả là 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 (giá cũ hiện nay là 5.973 đồng/m3) và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024;

Với mức sử dụng 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 và lên 9.900 đồng/m3 tương ứng;

Từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3.

Mức giá nước sinh hoạt cao nhất trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 (hộ/tháng).

Lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện rượu nấu thủ công không rõ nguồn gốc tại Triều Khúc, Thanh Trì.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
9 quận, huyện ở Hà Nội có thể bị mất nước cục bộ trong mùa Hè 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO