PLBĐ - 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 người nhiễm HIV mới, 1.378 người tử vong. Dự báo từ nay đến cuối năm, phát hiện khoảng 3.000 người nhiễm HIV.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam phát hiện 9.025 ca nhiễm HIV mới, 1.378 ca tử vong. Tích lũy đến nay, cả nước có 220.580 ca nhiễm HIV và 112.368 ca tử vong. Phân bố người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm chủ yếu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 36%, tại TP. Hồ Chí Minh là 28%.
Trong những năm 1997-2000, tỷ lệ lây nhiễm HIV theo giới giảm dần nhưng đến năm 2015, số nam giới nhiễm HIV tăng hơn so với nữ. Đến tháng 3/2022, số ca nam giới mắc HIV chiếm 87,3%, tăng cao trở lại bằng những năm 1997.
Những năm 2010-2011, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục và máu có sự cân bằng nhau. Nhưng đến năm 2020-2021, đường lây qua máu giảm chỉ còn 12-13%, trong khi lây qua đường tình dục tăng từ 35% năm 2010 lên hơn 80% vào năm 2022. Xu hướng trẻ hóa nhanh ở nhóm người HIV.
(ảnh Báo CAND)
Theo báo cáo mới nhất, HIV có xu hướng trẻ hóa nhanh, ở nhóm người dưới 30 tuổi (những năm 2012-2013) tỷ lệ nhiễm HIV chỉ dưới 5%, nhưng đến năm 2022, con số này tăng rất cao lên 50%. Đáng chú ý, tỷ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ; đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các các năm và trở thành đường lây chính.
Theo báo cáo của Ths Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS, dịch HIV đã thay đổi hình thái, nếu như trước đây lây chủ yếu qua đường tiêm chích ma tuý, thì nay 50% người nhiễm mới rơi vào nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); bạn tình của người nhiễm HIV trong nhóm này là những người có nguy cơ rất cao.
Tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM rất lớn, từ năm 2015 đến nay đã tăng gấp đôi, đây là quan ngại lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Dự báo HIV trong nhóm này tiếp tục gia tăng, bởi nhóm này lớn, các nguy cơ khác vẫn tồn tại và độ bao phủ điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) mới có 30.000 người.
Theo lãnh đạo Cục HIV/AIDS, mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 khó thực hiện nếu không khống chế và giảm lây nhiễm được ở nhóm MSM và nhóm thanh thiếu niên trẻ có quan hệ tình dục không an toàn.
Nhằm nâng hiệu quả công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS, PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, thời gian qua cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam cũng đã từng bước tự chủ tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS: Chuyển đổi điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.