Một nguồn tin tiết lộ Thục Hiền trầm cảm 20 năm qua. Dù được điều trị tích cực, cô vẫn không thể khỏi hoàn toàn.
Những ngày qua, thông tin Lê Thục Hiền - Á hậu Hong Kong, Trung Quốc (sinh năm 1976) qua đời nhận nhiều sự chú ý của truyền thông lẫn khán giả.
Được biết, Lê Thục Hiền được người thân phát hiện qua đời cuối tháng 12/2023 tại nhà riêng. Cô được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh, bên cạnh có lò than đang đốt. Nghệ sĩ 46 tuổi được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã quá muộn.
Một nguồn tin tiết lộ Thục Hiền trầm cảm20 năm qua. Dù được điều trị tích cực, cô vẫn không thể khỏi hoàn toàn. Cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân cái chết của nữ diễn viên là do tự tử. Họ không tìm thấy dấu hiệu khả nghi nên đóng hồ sơ.
Thục Hiền bước chân vào làng giải trí với công việc diễn xuất. Cô tham gia nhiều tác phẩm như: Bao Thanh Thiên: Tam thẩm trạng nguyên, Tuyết hoa thần kiếm 1997, Biến sắc long... Trong đó, dự án Người trong giang hồ đóng cùng Trịnh Y Kiện, Trần Tiểu Xuân, Mạc Văn Úy, Lê Tư... là dự án nổi bật nhất của cô.
Thục Hiền trải qua một cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ với nhiều biến cố cuộc sống. Trong một bài phỏng vấn, cô nói chịu khó khăn, áp lực nhưng "tự mình giấu kín, không thể chia sẻ với ai".
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 20 người bình thường sẽ có một người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm trong năm trước. Mỗi năm trung bình 850.000 người chết vì trầm cảm. Rối loạn trầm cảm không phân biệt giới tính hay độ tuổi, nhưng tỷ lệ mắc chứng trầm cảm ở phụ nữ gấp đôi nam giới.
Những người bị trầm cảm có thể đã phải trải qua những biến cố lớn của cuộc đời như: phá sản, thất nghiệp, nợ nần, ly hôn… hoặc cũng có những cá nhân mắc rối loạn trầm cảm nhưng không nhất thiết phải qua những biến cố lớn, mà đó có thể là những thay đổi trong đời sống hằng ngày như đổi công việc, kết hôn…
- Tâm trạng chán nản thường xuyên, gần như mỗi ngày.
- Giảm quan tâm hay niềm vui với tất cả hoạt động, hay sở thích.
- Chán ăn, sụt cân hoặc thèm ăn, tăng cân.
- Mất ngủ thường xuyên.
- Kích động hoặc thao tác chậm, phản ứng chậm, nói chậm hơn bình thường.
- Thường xuyên mệt mỏi và mất năng lượng.
- Có cảm giác bất lực, tội lỗi quá mức, tự thấy bản thân kém cỏi.
- Suy giảm khả năng tập trung, do dự, khó quyết định mọi thứ.
- Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết, thường xuyên có ý định tự tử.
Như bạn đã biết, môi trường sống đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ gây bệnh. Thế nên việc xây dựng một lối sống phù hợp có thể giúp bạn tăng thêm sức mạnh tinh thần và có thể phòng ngừa rối loạn tâm thần hiệu quả. Cụ thể:
Chế độ ăn uống hợp lý chính là một giải pháp ngừa bệnh hiệu quả. Bạn nên ăn uống hợp lý, tập trung vào các thực phẩm có giàu Omega 3, khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hoá. Đối với những bệnh lý nguyên nhân do nội sinh bên trong cần phải sử dụng nhiều thực phẩm có khả năng tăng tuần hoàn máu và cải thiện tâm trạng.
Hãy tự xây dựng cho mình thói quen sinh hoạt khoa học. Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá; các loại ma tuý. Thường xuyên tập luyện thể dục, giao tiếp và nâng cao các mối quan hệ xã hội.