Không chỉ là loại quả có chất “gây nghiện”, sầu riêng thời gian gần đây còn là từ khoá “hot” khi vươn lên là cây có giá trị tỷ USD, đóng góp chính cho nên kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023, sầu riêng đem về 2,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, chính thức gia nhập nhóm trái cây tỷ USD của Việt Nam. Sầu riêng cũng trở thành sản phẩm xuất khẩu số 1 của ngành hàng rau quả với tỷ trọng lên tới 41% trong tổng số 5,6 tỷ USD mà ngành này thu về. Xét về thị trường, Trung Quốc là nguồn tiêu thụ hàng đầu của sầu riêng Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 90%.
Mùi vị thơm ngon cùng giá trị kinh tế cao khiến nhiều người tham gia trồng loài cây này. Trong một chia sẻ ngẫu hứng mới đây, ông Nguyễn Minh Kha – đồng sáng lập Nhaccuatui (trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến) – cũng đang sở hữu một vườn sầu riêng 4,5ha ở Madagui, Lâm Đồng.
Được biết, vườn sầu riêng của ông Kha chủ yếu là giống Ri6, được ông mua lại của hộ dân. Vườn sầu riêng đã thu hoạch, tuy nhiên năm nay do chỉ mới hồi phục lại vườn nên năng suất chưa có nhiều.
"Lúc ban đầu tôi mua cái vườn chỉ vì sự yêu thích, rồi nhờ anh bạn chăm sóc hộ vì nghĩ ảnh làm giỏi hơn mình. Tôi là dân công nghệ nên không có rành về sầu riêng. Gia đình tôi ở dưới quê cũng có làm nông, nhưng là trồng cây lúa nước chứ chưa bao giờ trồng trái cây nên không có kinh nghiệm", ông Kha cho biết.
Thời gian đầu lên thăm vườn, ông Kha kể thấy người làm vườn phun thuốc rất nhiều, cả vườn của ông Kha và vườn bên cạnh. Điều này khiến ông e ngại, không dám vào vườn cũng như ở lại, dù đã xây một cái chòi trong vườn với mục đích ban đầu là "có nơi để nghỉ ngơi", "bỏ phố về vườn".
Và thực tế, việc phun thuốc nhiều không đem lại kết quả. Điều này khiến ông Kha dây lên suy nghĩ thay đổi cách chăm sóc theo hướng sạch. Ông đã tiến hành hỏi thăm bạn bè, các chuyên gia, thậm chí có đăng trên trang Facebook cá nhân để tìm kiếm phương pháp nuôi trồng hiệu quả.
Sau đó ông Kha gặp được ông Quới – một người chuyên trồng sầu riêng đang hỗ trợ rất nhiều nông dân từ khu bực Đông Nam Bộ ngược trở lên Tây Nguyên (xa nhất là ở Kontum). Sau 1 tháng hỏi han và hệ thống lại, ông Kha đúc kết được kỹ thuật nuôi trồng sầu riêng và cá nhân ông chia theo hệ: Hệ cỏ, hệ rễ, hệ lá… Ngoài cây, ông Kha cho biết còn phải tính đến yếu tố đất đai và đặc biệt là giao thông trong vườn.
"Giao thông trong vườn là điều đặc biệt quan trọng mà người dân phải biết, nhưng ít ai quan tâm. Vườn cũ của mình cũng không chú ý giao thông nên khi chạy xe ra vô rất khó khăn, và việc đi lại vô tình làm mất công của mình rất nhiều", ông nói.
Mặt khác, trồng sầu riêng cũng phải chú trọng hệ thống tưới, mức độ tưới cũng như cách thức phun tưới. Vì có khi tưới nước, thấy lá ướt đẫm nhưng gốc lại không thấm nước. Chưa kể, tưới không đúng cách thì nước trôi sẽ làm trôi hết chất dinh dưỡng đi theo…
Được biết, đồng hành với ông Quới được 9 tháng, vường sầu riêng của ông Kha đang tiến triển tốt lên, tất cả các trái sau khi thu hoạch dự kiến xuất đi châu Âu. Ông Kha cũng nói thêm: "Có một điều đặc biệt với sầu riêng, mọi người cứ nghĩ là thu hoạch xong rồi thì không chăm nhưng thực tế đây là giai đoạn cần chăm sóc rất kỹ, vì sầu riêng giống người phụ nữ vưa mới sinh xong".
Bên cạnh vườn sầu riêng, ông Kha được biết còn đang có 2 dự án khởi nghiệp khác. Trong đó, một dự án tương tự Nhaccuatui là trang web hỗ trợ cha mẹ nuôi dạy con cái, tên gọi là Concuatui.com.
Về ông Kha, ông tốt nghiệp Cử nhân Công nghệ Thông tin tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Tp.HCM. Nhạy bén với công nghệ và am hiểu thị trường Internet, ông Kha là người xây dựng và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật cho Nhaccuatui.com