Ngày 14/9, chuyến tàu cuối cùng băng qua cầu sắt Bình Lợi cũ ở TP.HCM kết thúc sau hơn 117 năm khai thác.
Đúng 8h30 sáng nay 14/9, cầu đường sắt Bình Lợi cũ chính thức đóng cửa, dẫn nhịp qua cầu đường sắt Bình Lợi mới để thông tuyến.
Sở Giao thông Vận tải đề xuất lên UBND TPHCM phương án bảo tồn nguyên trạng tại chỗ 2 nhịp cầu phía bờ quận Thủ Đức, trong đó có một nhịp cầu quay. Riêng đối với phần cầu đường sắt bị tháo dỡ phía quận Bình Thạnh được đề xuất giao Trung tâm Quản lý đường thủy nghiên cứu xây dựng bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách và du lịch đường thủy.
Công trình này nằm trong Dự án xây cầu Bình Lợi mới và nạo vét 71 km luồng sông Sài Gòn theo hình thức BOT, vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, cầu sẽ tạo thuận lợi cho các tàu, sà lan có trọng tải đến 5.000 tấn vận chuyển hàng hóa, container từ các cảng biển, bến thủy nội địa ở TPHCM đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, góp phần giảm tải cho đường bộ.
"Mấy ngày qua anh em thi công liên tục, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Gần 2 năm làm ở công trình, tôi mong cầu sớm xong, để tàu hỏa đi lại thuận lợi hơn", một công nhân chia sẻ.
Cầu đường sắt Bình Lợi mới nằm cạnh cầu cũ khoảng cách 12m.
Dài 1,3 km, cầu Bình Lợi mới sẽ thông tuyến đường sắt Bắc - Nam trong tháng 9 này sau bốn năm thi công với nhiều lần trễ hẹn do vướng mặt bằng.
Dầm thép chính (cầu mới phía bên trái) hình vòm, dài hơn 100 m đã được lắp đặt hoàn tất. Hiện tại, đây là dầm thép cầu đường sắt dài nhất Việt Nam.
Trong khi cầu cũ có tĩnh không 1,5m, quá thấp nên đã xảy ra nhiều vụ tàu bè va vào cầu gây gián đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam thì cầu mới có tĩnh không cao 7 m nhằm tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại.
Khi thủy triều lên, ngay cả ca nô cũng phải giảm tốc độ vì gầm cầu cũ quá thấp.
Đây là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn.
Cầu sắt Bình Lợi mới sẽ không có phần đường cho xe máy chạy như cầu cũ mà chỉ có hành lang cho người đi bộ với chiều rộng 1,5 m.
Cầu cũ có cả một phần đường dành cho xe máy.
Trải qua 25 năm làm công việc duy tu, bảo dưỡng và đảm bảo an toàn cho tàu chạy qua cây cầu này, nhân viên đường sắt Nguyễn Văn Hiệp không khỏi bùi ngùi khi sắp tới cây cầu sẽ ngưng hoạt động và phải tháo dỡ một phần. "Để phát triển cần phải có cầu mới thay thế nhưng nếu cầu cũ được bảo tồn một phần thì điều đó rất có ý nghĩa với nhiều người dân thành phố nhưng cần phải có phương án bảo tồn hợp lý".
Ông Hiệp cảm thấy một khoảng trống trong lòng khi vài ngày nữa là ông sẽ chia tay vị trí gác tàu này. Những lần ra đón tàu của ông chỉ có thể còn đếm ngược, cái công việc bao năm qua có thể chỉ còn lại vài lần.
Hôm nay cây cầu hơn trăm tuổi chính thức trở thành một phần của lịch sử Sài Gòn. Những đoàn tàu sẽ di chuyển qua sông Sài Gòn với tốc độ nhanh hơn trên cây cầu mới.
Nơi đây sẽ trở thành một điểm sáng tác ảnh chân dung cực chất cho các bạn trẻ?!
Gần 120 tuổi, đã đến lúc cây cầu được nghỉ ngơi.
Vài ngày nữa cây cầu sẽ có nhiệm vụ mới, trở thành chứng nhân cho lịch sử gắn với quá trình hình thành, phát triển Sài Gòn - TPHCM và ngành đường sắt Việt Nam.
(Theo Phạm Nguyễn/Dân trí)