Nhân dịp 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019), hàng trăm tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu tái hiện lại sự khắc nghiệt của hệ thống nhà tù thực dân, đế quốc - nơi giam giữ, tra tấn, đày ải các chiến sĩ cách mạng Việt Nam - đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
300 hình ảnh "Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày" đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019).
Sự kiện do bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với ban quản lý Di tích Côn đảo và Bảo tàng Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày phối hợp thực hiện.
Triển lãm gồm 3 phần: Địa ngục trần gian; Kiên trung bất khuất và Ngày chiến thắng trở về. Tới đây, công chúng sẽ được chứng kiến những hình ảnh giam giữ, tra tấn trong nhà tù thực dân, đế quốc đối với chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Chuồng cọp kẽm gai là mô hình tra tấn dã man nhất mà Mỹ - Nguỵ dùng để hành hạ các tù binh tại nhà tù Phú Quốc. Các chuồng cọp được đặt ngoài trời với kẽm gai sắc nhọn. Có nhiều loại chuồng cọp khác nhau dùng để tra tấn từ 1 đến 5 chiến sĩ.
Mô phỏng cảnh tra tấn tù nhân bằng roi.
Cảnh gông cùm cả chân lẫn tay các chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Thùng phi cai ngục nhà tù Phú Quốc dùng để tra tấn đối với đồng chí Nguyễn Đình Xô.
Cùm chân của thực dân Pháp dùng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội.
Cùm chân cai ngục nhà tù Côn Đảo dùng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng ở khu chuồng cọp.
"Vồ sầu đời, gậy biệt ly" do cai ngục Bảy Ly nghĩ ra, dùng để tra tấn tù nhân ở nhà tù Phú Quốc.
Lá bàng các chiến sĩ cách mạng dùng để chữa bệnh đường ruột ở nhà tù Côn Đảo.
Bát cai ngục dùng để trộn thuốc độc vào cơm đầu độc các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Phú Lợi làm hàng trăm chiến sĩ cách mạng ngộ độc, hi sinh. Quyển sách kế bên lưu lại danh sách tù nhân.
Cùm chân mà cai ngục dùng để cùm chân các chiến sĩ cách mạng khi lao động đập đá ở nhà tù Phú Quốc, đề phòng tù nhân bỏ chạy.
Cờ giải phóng của đồng chí Lê Thị Hẹ bị địch bắt tháng 6/1967. Trong tù, đồng chí được Chi hội nhà lao Cần Thơ giao cho nhiệm vụ khâu lá cờ giải phóng này để dùng khi kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
Túi sách của đồng chí Lê Thị Thanh Tuyền, 26 tuổi, thuộc đơn vị Đặc công huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Đồng chí tự khâu trong tù để cất giữ tài liệu.
(Theo Trọng Trinh/Dân Trí)