Dự án đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đang bước vào giai đoạn thi công gấp rút. Trong đêm cuối tuần, 5 chiếc dầm lớn của công trình được công nhân lắp đặt liên tục từ 0h30 đến 4h sáng. Theo đại diện nhà thầu thi công, loại dầm sử dụng trong dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tên là Super - T, chiều dài dao động 32,3 đến 38 m, mặt cắt ngang đường 24 m, mỗi phiến dầm có thể nặng tới 70 tấn. Do không tìm được khu vực phù hợp trong nội đô, đơn vị thi công phải đúc dầm tại tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó di chuyển dầm qua quãng đường dài 42 km về công trường. Trung bình thời gian để di chuyển mỗi thanh dầm phải mất tới 2 tiếng rưỡi. Khi về đến vị trí tập kết, hai chiếc xe cẩu có công suất 200 tấn có nhiệm vụ cẩu dầm lên và đặt vào vị trí. Ông Nguyễn Song Toàn (Quản lý công trường) cho biết dầm Super - T là một kiểu kết cấu khá phổ thông ở Việt Nam. Cách thức triển khai không có gì đặc biệt nhưng do đây là tuyến huyết mạch lưu lượng xe rất đông, mặt đường không thể đảm bảo nguyên trạng nên công tác đảm bảo giao thông khá khó khăn.
"Bên cạnh đó, dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng là của chủ đầu tư khác nên trong lúc thi công gặp rất nhiều đoạn chồng lấn gây khó khăn cho việc thi công dưới cầu. Do vậy ở những đoạn hẹp chúng tôi phải phải phối hợp với bên kia để đảm bảo được tiến độ", ông Toàn nói. Chiếc cần cẩu đưa tấm dầm lên cao trong khi cán bộ kỹ thuật liên tục sử dụng bộ đàm để phối hợp, điều khiển công việc. Thời gian nâng dầm và lắp trụ mất 30 phút, cán bộ kỹ thuật mất thêm khoảng 15 phút để căn chỉnh dầm vào đúng vị trí. Trong một đêm họ chỉ thực hiện lắp 5 dầm, kéo dài liên tục trong 4 giờ đồng hồ. Việc lắp dầm vào cẩu đòi hỏi độ chính xác cao, nếu không rất dễ xảy ra tai nạn. Thao tác kiểm tra các công đoạn cuối cùng để việc lắp ráp diễn ra thành công. Mỗi đêm thi công chỉ lắp được 5 phiến dầm nhưng đó là sự nỗ lực lớn của cả một ê-kíp. Mỗi ca gồm 14 người trực tiếp lắp đặt và đội vận chuyển dầm từ 20 đến 30 người. (Theo Tri thức trực tuyến)