Hơn 10 ngày sau khi áp dụng công nghệ xử lý ô nhiễm của Nhật Bản, sông Tô Lịch đoạn đầu nguồn cơ bản bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại các khu vực giữa và cuối nguồn, theo phản ánh của người dân trong khu vực thì tình trạng ô nhiễm, hôi thối vẫn chưa được cải thiện nhiều. Đi qua một số đoạn sông dọc theo đường Láng, Khương Trung, Vũ Ngọc Phan... dễ dàng bắt gặp cảnh rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Đây hầu hết là rác thải sinh hoạt do người dân tự ý vứt xuống sông, theo dòng nước trôi đi khắp nơi rồi mắc lại ở gần bờ hay các bụi cây trên sông, gây mất mỹ quan và bốc mùi hôi thối. Những loại rác thải gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng như vỏ chai lọ bằng nhựa, túi nilon, thùng xốp... cũng được vứt xuống sông. Thùng xốp, mảng xốp cỡ lớn thường xuyên xuất hiện trên sông. Đây là một trong những loại rác thải khó phân hủy, có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sống. Những loại rác thải này thường do các xe bán hàng rong hay các tiểu thương họp chợ ven sông vứt xuống hai bên bờ, sau những trận mưa to mới trôi xuống dòng nước.
Hàng ngày, các công nhân vệ sinh vẫn dọn dẹp, đi thuyền vớt rác nhưng không xuể vì tình trạng xả rác tiếp diễn liên tục. Theo các công nhân vệ sinh chia sẻ, gần như ngày nào cũng vớt được đủ các loại thùng xốp lớn nhỏ. Có những lúc thùng xốp chất đầy thuyền. Làm việc gần đường Nguyễn Ngọc Vũ, bà Trần Kim Bằng cho biết, từ ngày thành phố đặt máy xử lý nước thì nước sông tại đây có phần trong hơn, mùi hôi dù vẫn nồng nặc nhưng cũng có đỡ đôi chút. Tuy nhiên, bà vẫn thường xuyên trông thấy rác thải trôi trên sông. "Đã không ít lần tôi bắt gặp cảnh người dân tự ý mang rác ra sông vứt, đặc biệt là vào buổi tối muộn và đêm. Theo tôi, để vệ sinh sông Tô Lịch một cách triệt để thì cần có biện pháp ngăn chặn, phạt thật nặng những người vô ý thức như vậy", bà Bằng nói thêm. Sống trên đường Vũ Ngọc Phan, anh Phạm Văn Chuẩn chia sẻ, nước ở đoạn sông gần nhà anh không được cải thiện nhiều, vẫn đen kịt và nồng nặc mùi hôi. "Theo tôi, việc lắp đặt máy xử lý ở đầu nguồn sẽ không mang lại hiệu quả toàn diện. Dòng nước được xử lý ở đầu nguồn nhưng khi trôi tới khu vực giữa và cuối nguồn, qua hàng loạt những cống xả thì sẽ lại trở nên đen và hôi như vậy", anh Chuẩn bày tỏ. Hầu hết người dân sống ven sông đều cho rằng, để hồi sinh sông Tô Lịch một cách toàn diện từ đầu nguồn đến cuối nguồn thì phải xử lý được nước thải sinh hoạt trước khi xả ra sông hoặc dẫn nước thải đi theo đường khác. (Theo Dân Việt)
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO