Từ lâu, Hà Nội có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng kết nối trung tâm thành phố với các quận, huyện lân cận như cầu Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy nhưng cầu Chương Dương vẫn không được giảm tải là bao. Đây vẫn là một trong những điểm đen về nạn ùn tắc giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm. Đường dẫn lên cầu và các cung đường nối với cầu Chương Dương, trong đó đường Nguyễn Văn Cừ, là tuyến chính thường xuyên ùn ứ. Vào lúc từ 7h-8h mỗi ngày, xe buýt lưu thông rồng rắn từ bến Gia Lâm qua cầu Chương Dương để vào trung tâm thành phố. Tài xế đi xe máy bên cạnh bị cảm giác khá gai người, có những lúc họ bị chèn ép như muốn bật lên vỉa hè. Hàng nghìn phương tiện cứ di chuyển nhích từng mét trên đường Nguyễn Văn Cừ. Với người dân việc lựa chọn phương tiện vận tải công cộng hay xe cá nhân khi qua đây đều lâm vào cảnh kẹt cứng như nhau. Khi mật độ phương tiện quá dày, nhiều người đi xe máy còn liều lĩnh phóng vào làn ôtô bên trong của cầu Chương Dương tạo nên khung cảnh lộn xộn, nguy hiểm.
Thậm chí người đi xe máy còn lưu thông ngược chiều từ hướng đê và "sẵn sàng" đối đầu với các phương tiện khác đang phóng nhanh xuống dốc. Vỉa hè trở thành “làn đường” di chuyển chính của xe máy những giờ cao điểm. Người đi bộ chỉ còn cách nhường đường cho xe máy, vừa đi vừa quan sát trước sau để tránh va chạm. Anh Việt, chủ một showroom ôtô trên đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn gần cầu Chương Dương than thở: “Đường tắc cũng nhiều bất cập lắm, người đi xe máy không có chỗ đi ở dưới đường, toàn leo vỉa hè rồi phóng sát ôtô trưng bày. Ngày trước xảy ra vụ va quệt xe máy ở ngay trên vỉa hè, rồi đổ làm xước sơn chiếc BMW nhà tôi”. Không còn cách nào khác, anh phải lùi giờ mở cửa hàng mình xuống 10h để tránh giờ tắc đường. Tình trạng ùn tắc thường xuyên của nút giao này được cho là do mật độ cư dân ở các quận Long Biên, huyện Gia Lâm đông đúc. Cầu Chương Dương và Long Biên là hai tuyến đường gần nhất đối với họ để lưu thông vào trung tâm thành phố. Trong khi đó cầu Long Biên góp phần giảm tải cho cầu Chương Dương do nhỏ hẹp chỉ xe máy, xe đạp được qua lại. Vào giờ cao điểm, cả hai cây cầu cùng bị ùn tắc. Theo trung tá Bùi Đăng Hùng, nguyên nhân tắc đường là do xe buýt lấn sâu vào phần đường dành cho xe máy, người đi xe máy bắt buộc phải đi lên vỉa hè. "Đội CSGT số 5 luôn điều động 6-7 chiến sĩ trực tiếp phân luồng, điều tiết giao thông ở nút giao này. Trong thời điểm tháng 8 và 9, cầu Chương Dương sửa chữa khe co giãn ngay gần điểm đường dẫn, ôtô lưu thông qua đây phải giảm tốc độ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới nạn ùn tắc nghiêm trọng thời gian qua", trung tá Hùng nói. Điểm đen ùn tắc giao thông hàng ngày tại nút Chương Dương, Long Biên. Ảnh: Google Maps. (Theo Trí thức trực tuyến)