Nắng nóng khiến nỗi lo cháy nổ tại chợ Vinh, khu chợ mua bán tấp nập nhất tỉnh Nghệ An thường trực. Ở đây, tình trạng cơi nới lều bạt, lợp tôn, hệ thống điện chằng chịt, hàng quán gây nhếch nhác… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Chợ Vinh là một trong những trung tâm thương mại lớn của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.
Chợ Vinh được đưa vào hoạt động từ năm 2008, tầng 1 rộng hơn 8.000 m² với gần 700 gian hàng kinh doanh các mặt hàng như vải, tạp hóa, văn phòng phẩm… ; tầng 2 hơn 7.500 m² với 676 gian hàng chủ yếu kinh doanh hàng may mặc; tầng 3 rộng 1.200 m², được chia thành khu vực văn phòng làm việc của ban quản lý chợ, văn phòng đại diện và các hoạt động kinh doanh của siêu thị cùng dịch vụ ăn uống, giải khát.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chợ Vinh không đạt được kỳ vọng. Tình trạng nhếch nhác, lãng phí và nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn vẫn đang tồn tại tại khu chợ lớn nhất tỉnh Nghệ An.
Ghi nhận của PV, phía trước đình chính chợ Vinh, nơi tiếp giáp với đường Lê Hồng Sơn, ngang tầm mắt là dãy hàng quán nhếch nhác với các lều bạt và ô dù màu xanh, đỏ. Xe máy và bàn ghế được đặt chắn cả lối đi.
Tại tầng hầm, xuyên qua khu vực các gian hàng ngũ kim (sắt, nhôm, kim khí, điện máy…) là một bãi đậu xe. Đáng chú ý, cuối lối lên xuống phía sau cửa hầm đình chính, bên cạnh cầu thang máy, một biển báo lối thoát hiểm vẫn còn sáng đèn nhưng cửa lên xuống đã bị bịt kín bằng tôn. Khu vực bịt tôn này đã trở thành nhà kho chứa hàng hóa của người dân. Một số kho còn treo biển "chuyên sỉ lẻ bách hóa tổng hợp - đồ điện tử - đồ điện - bàn ghế - hàng gia dụng…". Bên ngoài, tại hai lối lên xuống bị bịt tôn, có hai quầy hàng kinh doanh ăn uống, được căng bạt che nắng và tận dụng một phần mái che hốc cầu thang lên xuống.
Vòng sang hai bên hông của đình chính, ngay các bậc tam cấp của lối thoát phía Tây và phía Đông, nhiều ki-ốt bằng tôn cũng được cơi nới, lắp ghép cho các tiểu thương buôn bán.
Bà Nguyễn Thị H., một tiểu thương kinh doanh hàng tạp hoá tại tầng 1 cho biết, Ban Quản lý chợ Vinh để cho nhiều hộ tiểu thương tự ý dựng lều bạt, kinh doanh ngay lối vào đình chính là điều không thể chấp nhận được.
"Phải làm rõ việc bố trí các ki-ốt, quầy hàng gây nhếch nhác như vậy đã được cơ quan chức năng cho phép hay chưa, có đúng theo quy hoạch từ khi xây dựng hay không", bà H. nói.
Trước thực trạng này, đại diện Ban Quản lý chợ Vinh cũng thừa nhận tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, các ki-ốt và quầy hàng ở phía trước và phía sau sân đình chính không có trong quy hoạch và số hộ kinh doanh dạng này có khoảng 30 hộ.
Tuy nhiên, đây là tồn tại từ trước, khi các hộ kinh doanh từ các phường Hồng Sơn, Vinh Tân không có địa điểm buôn bán và không đủ điều kiện mua quầy, ki-ốt nên đã được bố trí làm nơi mưu sinh. Việc dẹp bỏ các điểm bán hàng này là không khó, nhưng vì lý do an sinh xã hội và không có nơi khác để bố trí, nên các ki-ốt này vẫn tồn tại.
Khu vực lối lên xuống tầng hầm ở phía sau đình chính đã bị bịt tôn kín mít và trở thành kho tập kết hàng hóa.
Ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng ban Quản lý chợ Vinh, thừa nhận hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ Vinh đang tồn tại một số bất cập như: phương tiện và hàng hóa tập kết che lối đi lại, quầy hàng sắp xếp không đúng cự ly, và một số bà con tiểu thương chưa có kỹ năng sử dụng bình chữa cháy. Ông Đắc cho biết, sắp tới Ban Quản lý sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý các vấn đề này. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng để tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho bà con tiểu thương.
Mới đây, rất nhiều đơn thư của các hộ dân kinh doanh tại khu vực đình chính chợ Vinh, phản ánh tình trạng cơi nới, dựng tôn tại các lối đi lên xuống tầng hầm đình chính chợ Vinh để làm kho chứa hàng, làm mất chức năng thoát nạn, thoát hiểm, làm tăng nguy cơ cháy, nổ và ô nhiễm môi trường khu vực tầng hầm. Bên cạnh đó, ngay khu vực sân trước đình chính có nhiều hộ kinh doanh sai quy hoạch, căng phông, bạt bày bán hàng hóa, gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và cản trở đường đi lại khi người dân có nhu cầu đến tham quan, mua sắm tại chợ Vinh.
Không chỉ chợ Vinh (Nghệ An), hiện có trên 371 chợ lớn nhỏ, trong đó khoảng trên 20 chợ có quy mô lớn như chợ chợ Ga, chợ Quang Trung, chợ Quán Lau, chợ Hưng Dũng… Có một nghịch lý là trong khi cơ quan chức năng luôn lo lắng trước nguy cơ cháy nổ thì ban quản lý, các hộ kinh doanh trong chợ là chủ nhân của tài sản, hàng hóa trị giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng lại lơ là, chủ quan.
Nhiều năm trước, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra tại chợ Vinh khiến hàng trăm ki-ốt hàng hóa thành đống tro tàn. Nhiều tiểu thương không giấu được những giọt nước mắt trước hàng trăm triệu đồng bay theo khói lửa.