Bắc Giang: Tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại động vật

Hồng Ngọc 14/09/2022 15:09

PLBĐ - Ngày 14/9/2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành công văn 4472/UBND-NN về tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại động vật tại địa bàn.

Theo thông tin từ Cục Thú y và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh Dại động vật đang có nhiều diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có 40 người tử vong do bệnh Dại tại 16 tỉnh, thành phố.Kết quả giám sát chủ động tại 13 tỉnh thành phố đã có 100/214 mẫu dương tính với vi rút Dại động vật chiếm tỷ lệ 40,7%. Tại Bắc Giang, trong 8 tháng đầu năm 2022 có 4.725 người phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại do bị chó thả rông cắn.

Nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng, chống bệnh Dại trong tỉnh tồn tại nhiều hạn chế. Công tác quản lý đàn chó, mèo tại nhiều địa phương buông lỏng, tình trạng chó, mèo thả rông còn phổ biến. Ý thức của một bộ phận người dân trong phòng, chống bệnh Dại còn chưa cao.

photo-1663142847746

Nâng cao ý thức người dân tiêm phòng dại cho chó mèo (ảnh minh họa)

Thực hiện Chỉ thị số 5804/CT-BNN-TY của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 06/9/2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại động vật, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu.

UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh Dại theo quy định của pháp luật và Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 03/3/2022 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh Dại động vật giai đoạn 2022-2030.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng ban chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện các trường hợp chó, mèo nghi mắc Dại để có biện pháp xử lý. Tiến hành rà soát, thống kê, quản lý đàn chó, mèo, lập danh sách các hộ nuôi chó mèo tại địa phương và báo cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Hướng dẫn chủ nuôi chó mèo cam kết thực hiện việc khai báo, chấp hành nuôi chó mèo trong khuôn viên gia đình, khi đưa chó mèo ra nơi công cộng phải được đeo rọ mõm. Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại.

Chủ động bố trí kinh phí (mua vắc xin, hóa chất tiêu độc khử trùng,...) trong công tác phòng chống bệnh Dại động vật trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng công tác tiêm phòng vắc xin, đảm bảo 100% chó mèo trong diện tiêm phải được tiêm phòng vắc xin Dại động vật và thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót đối tượng phải tiêm phòng.

Tăng cường thông tin tuyên truyền trên các hệ thống đài phát thanh, truyền hình của địa phương về sự nguy hiểm của bệnh Dại đối với con người và các biện pháp phòng, chống.

Đồng thời, Thành lập các Đoàn kiểm tra phối hợp với cơ quan chuyên môn Thú y, Y tế kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dại tại các địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của thủ tướng Chính phủ.

Sở Nông nghiệp và PTNTchủ động tham mưu và hướng dẫn biện pháp phòng chống bệnh Dại động vật; chỉ đạo cơ quan chuyên môn chuẩn bị các điều kiện về vắc xin, hóa chất phối hợp với chính quyền địa phương thực hiệt tốt việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo, đảm bảo 100% trong diện tiêm được tiêm phòng vắc xin Dại động vật.

Tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát đàn chó, mèo; kịp thời phát hiện các trường hợp chó, mèo nghi mắc Dại để có phương án, biện pháp xử lý kịp thời.

Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin các trường hợp chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc Dại cắn người cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các cơ quan tổ chức có liên quan tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và tham mưu cho chính quyền thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Thường xuyên cập nhật vệ tình hình dịch bệnh Dại động vật và công tác phòng chống tại các địa phương báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo đúng quy định.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương trong giám sát dịch bệnh, tập huấn, tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại. Cùng với chính quyền địa phương rà soát, tuyên truyền và vận động các trường hợp người bị chó, mèo nghi mắc bệnh Dại cào, cắn đến Trung tâm y tế dự phòng thăm khám và điều trị.

Các cơ quan thông tin truyền thông phối hợp với ngành nông nghiệp, y tế tăng cường tuyên truyền về bệnh Dại, mức độ nguy hại của bệnh Dại với tính mạng con người. Tuyên truyền các biện pháp phòng chống, đặc biệt là trách nhiệm của người dân trong việc tiêm phòng bệnh Dại bắt buộc cho đàn chó, mèo; không thả rông chó, nuôi chó phải khai báo với chính quyền địa phương và khi phát hiện chó, mèo có các biểu hiện bất thường, điên cuồng, cắn xé... thì báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bắc Giang: Tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại động vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO