PLBĐ - Qua thăm khám, sản phụ được chẩn đoán thai 9 tháng chết lưu chuyển dạ lần 8; Rau bong non; Rối loạn đông máu; Thiếu máu; Giảm tiểu cầu và được chỉ định mổ cấp cứu lấy thai lưu, cắt tử cung bán phần.
VTV thông tin, sản phụ G.T.M (43 tuổi, trú tại Bắc Hà, Lào Cai) được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai trong tình trạng thai 9 tháng, đau bụng, người mệt mỏi.
Qua thăm khám, sản phụ được chẩn đoán thai 9 tháng chết lưu chuyển dạ lần 8; Rau bong non; Rối loạn đông máu; Thiếu máu; Giảm tiểu cầu và được chỉ định mổ cấp cứu lấy thai lưu, cắt tử cung bán phần.
Trong quá trình phẫu thuật, sản phụ mất máu nhiều và cần truyền máu gấp. Ngay lập tức, bệnh viện đã huy động toàn thể cán bộ y tế có cùng nhóm máu với bệnh nhân.
Bác sĩ Đỗ Văn Lâm (Khoa Hồi sức cấp cứu) và điều dưỡng Hoàng Thị Thúy Hằng (Khoa Hồi sức sơ sinh) của đơn vị đã tình nguyện hiến 2 đơn vị máu toàn phần (500ml) nhóm B để truyền máu cấp cứu cho sản phụ.
Sản phụ đã được truyền tổng số 2 đơn vị máu toàn phần nhóm B, 3 khối tiểu cầu, 3 khối huyết tương tươi đông lạnh, 1.500ml khối hồng cầu. Sau phẫu thuật, sản phụ đã qua cơn nguy kịch và được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục theo dõi.
Theo các chuyên gia, thai lưu là tình trạng thai nhi chết trong bụng mẹ trước khi được sinh ra. Thông thường, thai chết lưu sẽ tồn tại trong buồng tử cung 48 giờ, sau đó mới xổ ra ngoài. Thai chết lưu dễ nhầm với sảy thai do đều là tình trạng thai chết trong bụng mẹ. Tuy nhiên, chúng có cách phân biệt dựa vào độ tuổi của thai.
Nếu thai chết sau tuần thứ 20 của thai kỳ thì gọi là thai chết lưu. Còn thai chết trước tuần thứ 20 của thai kỳ thì gọi là sảy thai. Hầu hết phụ nữ nếu đã từng bị lưu thai một lần thì ở lần mang thai tiếp theo, thai nhi sẽ khỏe mạnh hơn.
Khi mẹ đang mang thai trên 20 tuần, nếu gặp những triệu chứng sau đây thì rất có thai đã chết lưu bên trong bụng mẹ: Tim thai bất thường, không còn nghe thấy tim thai khi siêu âm; Tình trạng ốm nghén không còn, không còn thèm ăn như những tuần trước đó; Xuất huyết âm đạo; Bụng co cứng, cảm giác nặng nề; Bầu vú không còn căng cứng, ngực tự động tiết sữa non; Sốt cao, chóng mặt; Cử động thai bất thường, không còn thấy thai máy; Đau lưng dữ dội, bị chuột rút liên tục; Vỡ nước ối dù chưa có dấu hiệu chuyển dạ.