Bác sĩ nêu 9 dấu hiệu sau tiêm vắc-xin cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện

17/01/2019 11:46

PGS.TS Trần MInh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đã đưa ra 9 dấu hiệu để cha mẹ, người thân nhận diện việc cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sau tiêm chủng.

Ngay sau khi Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến khẩn về tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng chiều 16-1, PGS.TS Trần MInh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đã đưa ra 9 dấu hiệu để cha mẹ, người thân nhận diện việc cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sau tiêm chủng, gồm:

- Sốt cao > 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng.

- Quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê.

- Co giật

- Nôn chớ, bú kém, bỏ bú.

- Phát ban.

- Thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi

- Chi lạnh, da nổi vân tím, thở rên cả đêm

- Hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.

Các chuyên gia đầu ngành về cấp cứu nhi cho biết với vắc-xin “5 trong 1” có thành phần ho gà toàn tế bào như ComBE Five hay Quinvaxe, tỉ lệ sốt trên 38 độ C chiếm tới 50%. Đây là phản ứng thông thường, phản ứng tốt sau tiêm vắc-xin.

Theo PGS Điển, sau khi tiêm chủng, với các vắc-xin như ComBE Five, thậm chí cả những mũi "5 trong 1" hoặc "6 trong 1" dịch vụ, trẻ cũng đều có các biểu hiện đau, có thể sưng nề đỏ tại nơi tiêm, sốt. Thông thường các phản ứng sau tiêm chủng sẽ xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ, chủ yếu là sốt và đau tại nơi tiêm, cần phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau, uống nhiều nước và theo dõi bé kể cả trong đêm ngủ.

Sau tiêm vắc-xin ComBE Five, trẻ sẽ được theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Khi về nhà chúng ta cần phải theo dõi các biểu hiện trẻ đau tại nơi tiêm, quấy khóc, sốt và các biểu hiện khác như tinh thần, ăn bú, nôn trớ, khó thở. Khi có 9 dấu hiệu nói trên và trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt thì cần đưa bé đến cơ sở y tế.

PGS Điển cho biết tiêm phòng cho trẻ không chỉ phòng bệnh cho chính bản thân của trẻ mà còn tạo kháng thể chống bệnh tật tốt cho cả cộng đồng. Các bệnh tật đã có vắc-xin phòng bệnh thì nên tiêm phòng cho trẻ. "Với trẻ dưới 1 tuổi, các nguy cơ mắc nhiều bệnh như đường hô hấp, tiêu hóa, do hệ miễn dịch còn non yếu. Trong nhóm tuổi này lại cần phải tiêm chủng nhiều, do vậy, mọi người cần chú ý phòng tránh các bệnh lý đường hô hấp như vệ sinh mũi sạch sẽ, tránh đưa con ra đi ngoài nhiều khi thời tiết thay đổi, nơi ô nhiễm môi trường, nơi đông người"- PGS Điển khuyến cáo.

Vắc-xin dịch vụ cũng có tai biến

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết trong năm 2018 Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó 8 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem và uống bOPV, 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin DPT tại Long Biên và 3 trường hợp tai biến nặng sau tiêm các vắc-xin dịch vụ (Varivax, Jevax, Infanrix Hexa, Gardasil). Từ ngày tháng 1-2019, Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong tổng số trẻ đã được tiêm là 5.312 trẻ, với 180 ca phản ứng thông thường sau tiêm, 2 trường hợp sốc phản vệ nhưng đều đã ổn định và ra viện.

(Theo nld.com.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bác sĩ nêu 9 dấu hiệu sau tiêm vắc-xin cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO