Bán axit Sulfuric (H2SO4) trái phép bị xử phạt như thế nào?

16/08/2024 09:10

Axit Sulfuric (H2SO4) có thuộc nhóm hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp không? Bán axit Sulfuric trái phép bị xử phạt như thế nào?

1. Axit Sulfuric (H2SO4) có thuộc nhóm hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp không?

Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, chất có trong Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP (khoản 19 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP và khoản 3 Điều 5 Nghị định 33/2024/NĐ-CP) thuộc nhóm hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo đó, Axit Sulfuric (H2SO4) là tiền chất công nghiệp nhóm 2 thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp quy định tại Phụ lục I ban hành kèm Nghị định 113/2013/NĐ-CP.

Công cụ tra cứu mã số thuế và thông tin doanh nghiệp (Cập nhật mới)
[TIỆN ÍCH] Tính thuế thu nhập cá nhân năm 2024

axit H2SO4

Bán axit Sulfuric trái phép có thể bị phạt đến 40 triệu đồng (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

2. Bán axit Sulfuric (H2SO4) trái phép bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 4; khoản 6, khoản 8 Điều 16 Nghị định 71/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm đ khoản 7 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP), phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng trong trường hợp:

- Hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

- Tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối người có hành vi vi phạm là cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm mức xử phạt sẽ từ 30 đến 40 triệu đồng.

Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nêu trên, tổ chức, cá nhân có hành vi bán axit Sulfuric (H2SO4)trái phép còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

3. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp

Căn cứ Điều 9 Nghị định 113/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 khoản 4 Điều 8, khoản 1 Điều 9 Nghị định 17/2020/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP), điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp được quy định như sau:

3.1. Điều kiện sản xuất

(i) Là tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật.

(ii) Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong sản xuất theo quy định tại Điều 12 Luật Hóa chất 2007; Điều 4; khoản 1, 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

(iii) Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất.

(iv) Các đối tượng quy định tại Điều 32 Nghị định 113/2017/NĐ-CP phải được huấn luyện an toàn hóa chất.

3.2. Điều kiện kinh doanh

(i) Là tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật.

(ii) Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong kinh doanh theo quy định tại Điều 12 Luật Hóa chất 2007; Điều 4; khoản 2 Điều 5; khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

(iii) Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

(iv) Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ.

(v) Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất.

(vi) Các đối tượng quy định tại Điều 32 Nghị định 113/2017/NĐ-CP phải được huấn luyện an toàn hóa chất.

Lưu ý: Tổ chức, cá nhân, trừ tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại Điều 10a Nghị định 113/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP), chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định tại Mục 3.1 và Mục 3.2 trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Hóa chất 2007.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bán axit Sulfuric (H2SO4) trái phép bị xử phạt như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO