Trước đây, tại nhiều địa phương, trường học vẫn tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh và có thu tiền. Tuy nhiên, hiện nhiều trường học thông báo dừng dạy thêm từ 14/2 do không có nguồn kinh phí chi trả cho giáo viên.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ 14/2 quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Trước quy định này, hiện nhiều trường THCS, THPT ngừng hoàn toàn dạy tăng cường phục vụ ôn tập đối với học sinh cuối cấp sau khi có thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm vì không được thu phí khiến phụ huynh, học sinh hoang mang.
Trao đổi với báo chí về hiện tượng này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, chương trình các môn học đã quy định thời lượng dạy học cụ thể đối với từng khối lớp, với thời lượng đó đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình, bao gồm cả thời gian ôn tập, kiểm tra.
"Trách nhiệm của nhà trường là phải tổ chức thực hiện chương trình, bảo đảm cho học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình trong thời lượng quy định của chương trình.
Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu thì nhà trường, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo để học sinh đạt yêu cầu của chương trình. Việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền học sinh", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết.
Trước đây, tại nhiều địa phương, trường học vẫn tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh và có thu tiền. Mức thu sẽ dựa trên sự thỏa thuận của phụ huynh với giáo viên, nhà trường. Song, khi có thông tin về Thông tư 29, đa số các trường thông báo dừng dạy thêm từ ngày 14/2 do không có nguồn kinh phí chi trả cho giáo viên.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của nhà nước thì không có chuyện dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trong trường công lập, có 3 đối tượng được bổ trợ kiến thức: Học sinh chưa đạt chuẩn đầu ra của chương trình; bồi dưỡng học sinh giỏi; bồi dưỡng cho học sinh thi cuối cấp. Nhưng không gọi là dạy thêm, học thêm mà là bổ trợ kiến thức. "Nếu ở tỉnh nào, Sở GD&ĐT có thể tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên tham gia tổ chức các lớp này, Bộ GD&ĐT hết sức khuyến khích…".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra thực tế, khi thông tư ban hành có những địa phương buông lỏng, thôi không bổ trợ cho học sinh nữa... Đồng thời, bày tỏ mong muốn, trong quá trình thực hiện Thông tư 29, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, hiệu trưởng các nhà trường tránh cực đoan. "Chúng tôi đề nghị các tỉnh, thành trách nhiệm. Để các học sinh đảm bảo được tốt việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT là trách nhiệm của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn, của nhà trường. Học sinh chưa đạt chuẩn, chúng ta phải có trách nhiệm bổ trợ kiến thức cho các em đạt chuẩn. Các em còn lo lắng, lúng túng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nhà trường phải có các hình thức bổ trợ một cách phù hợp, không được buông lỏng".