Liên quan đến đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, phường, xã trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Nhiều người dân đang sinh sống tại các phường đang không khỏi băn khoăn, thắc mắc về việc thay đổi thông tin cá nhân, các thủ tục hành chính có thể phát sinh sau sáp nhập.
Theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, quận Hai Bà Trưng sẽ gộp 7 phường thành 4, trong đó nhập một phần phường Cầu Dền vào Thanh Nhàn lấy tên Thanh Nhàn; nhập một phần phường Cầu Dền vào Bách Khoa thành phường Bách Khoa; Quỳnh Lôi và Bạch Mai thành phường Bạch Mai; Đống Mác và Đồng Nhân thành phường Đồng Nhân.
Theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội, nhiều người dân đang sinh sống trên địa bàn các phường sáp nhập, bị mất tên tại quận Hai Bà Trưng hiện đang rất lo lắng về việc thời gian tới, một số thông tin trên giấy tờ sẽ phải thay đổi toàn bộ, phát sinh nhiều thủ tục hành chính phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, công việc.
Trước thông tin thời gian tới phường Quỳnh Lôi vào phường Bạch Mai thành phường Bạch Mai, ông Đào Khắc Dương (phố Chùa Quỳnh, Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng) cho biết, mặc dù rất ủng hộ việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên địa bàn quận, tuy nhiên ông không khỏi băn khoăn về việc thông tin cá nhân hiện tại sẽ phải thay đổi ra sao, nếu không thay đổi thì liệu có bị "mất giá trị".
"Việc sáp nhập là rất đúng đắn, nhưng tôi vẫn băn khoăn liệu những thông tin về địa chỉ được in trên căn cước công dân, bằng lái xe, đăng ký xe, sổ đỏ... có phải thay đổi? Nếu không thay đổi thì những giấy tờ này về sau có thể sử dụng được nữa không? Rất mong cơ quan chức năng tạo điều kiện, ban hành văn bản, hướng dẫn cụ thể để người dân có thể kịp thời thay đổi nếu cần, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc...", ông Dương thắc mắc.
Tương tự, chị Nguyễn Thi Bình (Cầu Dền, Hai Bà Trưng) cho rằng, bản thân chị cũng như nhiều người khác hiện rất lo lắng vì đang trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nếu bây giờ thay đổi tên phường thì liệu các văn bản cũ đã nộp trước đó có mất giá trị, phải thực hiện lại từ đầu.
"Cách đây vài tháng, tôi có thực hiện một giao dịch chuyển nhượng đất, nhiều giấy tờ, văn bản đã được ký và đóng dấu, chỉ sợ thời gian tới phường Cầu Dền mất tên, một số giấy tờ đã chuyển giao trước đó sẽ không còn giá trị, phải làm lại thì rất mất công, chỉ mong cơ quan chức năng có giải pháp cụ thể để hỗ trợ người dân trong vấn đề này", chị Bình nói.
Bên cạnh những băn khoăn trên, nhiều người dân sinh sống tại quận Hai Bà Trưng khi được hỏi cũng e ngại, sau khi sáp nhập, dân số tăng lên còn số lượng cán bộ lại giảm đi, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính sẽ khó đảm bảo, dễ phát sinh xáo trộn và rắc rối không đáng có.
Liên quan đến những vấn đề trên, thông tin với PV, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn đã được UBND quận xây dựng đề án và ban hành để lấy ý kiến.
Theo đề án trên, UBND quận Hai Bà Trưng xác định việc sắp xếp các đơn vị hành chính là một chủ trương đúng đắn và phải thực hiện, tuy nhiên sẽ không tránh khỏi một số tác động tiêu cực về hoạt động quản lý, kinh tế - xã hội, thủ tục hành chính, dịch vụ công... Vì vậy, UBND quận Hai Bà Trưng đã chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp tuyên truyền và triển khai các hoạt động để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Trong đó, lên kế hoạch và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
UBND quận cũng đang kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính nhằm kịp thời triển khai các thủ tục hành chính và phát hiện những quy định thủ tục hành chính không đáp ứng các tiêu chí về sự cần thiết, phù hợp, tính hợp pháp.
Đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành để trao đổi, gửi, nhận thông tin bằng thư điện tử, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các tổ chức trên địa bàn, các đơn vị liên quan đến việc điều chỉnh và sắp xếp đơn vi hành chính trong việc thay đổi địa chỉ, giấy tờ, con dấu,… Ủy ban nhân dân quận sẽ chỉ đạo các phòng ban, đơn vị xây dựng Kế hoạch cụ thể cả về nội dung và thời gian làm việc để hướng dẫn UBND phường trong việc giải quyết các vấn đề cần thiết để nhằm sớm ổn định cuộc sống người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, hoạt động kinh doanh,...
Xem thêm video được quan tâm: