Ban quản lý chung cư có quyền gì? Do ai bầu ra?

Ngọc Thúy 26/09/2024 09:04

Việc quản lý, vận hành nhà chung cư sẽ do Ban quản lý nhà chung cư thực hiện. Vậy, ban quản lý chung cư có quyền gì?

1. Trường hợp nào cần có Ban quản lý chung cư?

Luật Nhà ở và các văn bản pháp luật có liên quan không có quy định cụ thể giải thích thế nào là ban quản lý chung cư. Tuy nhiên có thể hiểu, ban quản lý chung cư thực chất chính là Đơn vị quản lý và vận hành nhà chung cư, được ký hợp đồng với Ban quản trị nhà chung cư để thực hiện nhiệm vụ quản lý và vận hành cho nhà chung cư đó.

Theo đó, khoản 1 Điều 149 Luật Nhà ở 2023 nêu rõ:

- Đối với nhà chung cư có thang máy thì phải do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện.- Đối với nhà chung cư không có thang máy thì Hội nghị nhà chung cư quyết định tự quản lý vận hành hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện.

Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở trực tiếp thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư thì phải có chức năng, năng lực quản lý vận hành theo quy định.

Như vậy, trường hợp nhà chung cư có thang máy phải có ban quản lý thực hiện quản lý, vận hành chung cư.

Điều 150 Luật Nhà ở 2023 cũng quy định về điều kiện của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư. Theo đó, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư này phải có đủ điều kiện về chức năng và năng lực sau:- Là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư;- Phải có các phòng, ban về kỹ thuật, chăm sóc khách hàng, bảo vệ an ninh, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh, môi trường và bộ phận khác có liên quan để thực hiện các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;

- Người quản lý, nhân viên trực tiếp tham gia công tác quản lý vận hành của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực:

  • Xây dựng
  • Kỹ thuật điện, nước
  • Phòng cháy, chữa cháy
  • Vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư
Và phải Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư chỉ được cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư sau khi có văn bản thông báo đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ban quản lý chung cư có quyền gì?
Ban quản lý chung cư có quyền gì? (Ảnh minh họa)

2. Ban quản lý chung cư có quyền gì?

Tại Điều 43 Quy chế ban hành kèm Thông tư 05/2024/TT-BXDquy định về quyền của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư như sau:

(1) Thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Quy chế và hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành đã ký với Ban quản trị hoặc người đại diện quản lý nhà chung cư (đối với nhà chung cư không phải thành lập Ban quản trị).

- Thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo hợp đồng bảo trì nếu có năng lực bảo trì; trường hợp chưa ký hợp đồng thì thực hiện theo theo nội dung đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua.

(2) Ký kết hợp đồng phụ với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong việc quản lý vận hành nhà chung cư (nếu có); giám sát việc cung cấp các dịch vụ của các đơn vị này.

(3) Thông báo bằng văn bản về việc thu, nộp các khoản kinh phí có liên quan; thông báo các yêu cầu, nội dung cần chú ý cho người sử dụng nhà chung cư trong trường hợp xảy ra các tình huống đột xuất như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn.

Đồng thời hướng dẫn việc lắp đặt các thiết bị trong phần sở hữu riêng của chủ sở hữu.

(4) Thu kinh phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo thỏa thuận với các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; chi trả thù lao cho các thành viên Ban quản trị theo quyết định của Hội nghị nhà chung cư.

(5) Định kỳ hàng năm tại Hội nghị nhà chung cư thường niên hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị quản lý vận hành phải:

  • Báo cáo công khai về công tác quản lý vận hành nhà chung cư với Ban quản trị,
  • Báo cáo tình hình quản lý vận hành tại Hội nghị nhà chung cư,
  • Lấy ý kiến góp ý của chủ sở hữu, người sử dụng về việc cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

(6) Phối hợp với Ban quản trị nhà chung cư để giải quyết các vấn đề khác có liên quan trong quá trình quản lý vận hành nhà chung cư.

(7) Chấp hành quyết định giải quyết, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

(8) Phải bàn giao lại hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị; bàn giao các công việc liên quan đến quản lý vận hành nhà chung cư cho đơn vị quản lý vận hành mới.

(9) Thực hiện các quyền và trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư theo các thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành đã ký kết hoặc theo nội dung đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua trong trường hợp chưa ký kết hợp đồng dịch vụ.

Trường hợp Ban quản trị không tuân thủ các thỏa thuận nêu tại khoản này thì đơn vị quản lý vận hành được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết hoặc nội dung đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Được tiếp tục thực hiện hợp đồng trong trường hợp được Hội nghị nhà chung cư đánh giá vẫn thực hiện tốt các nội dung trong hợp đồng.

3. Ban quản lý nhà chung cư do ai bầu ra?

Theo quy định tại Điều 43 Quy chế ban hành kèm Thông tư 05/2024/TT-BXD đã nêu trên, có thể thấy ban quản lý chung cư được thành lập dựa trên hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành chung cư ký với Ban quản trị nhà chung cư hoặc người đại diện quản lý nhà chung.

Do đó, khác với ban quản trị nhà chung cư (do Hội nghị nhà chung cư, cụm nhà chung cư) bầu ra, ban quản lý nhà chung cư là đơn vị độc lập ký hợp đồng với Ban quản trị nhà chung cư để thực hiện quản lý, vận hành nhà chung cư mà không do bên nào bầu ra.

Trên đây là giải đáp về Ban quản lý chung cư có quyền gì? Do ai bầu ra? Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ban quản lý chung cư có quyền gì? Do ai bầu ra?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO