Bánh trôi gạo lứt lạ miệng hút khách ăn kiêng đặt mua ngày Rằm tháng Giêng dù giá đắt đỏ.
Nếu bánh trôi ngũ sắc đẹp tròn đầy và thoảng mùi thơm từ những nguyên liệu tự nhiên, được nhiều gia đình mua về dâng cúng ngày Rằm tháng Giêng thì năm nay, bánh trôi gạo lứt là món bánh mới hút khách ăn kiêng, ăn chay đặt mua dù giá đắt đỏ hơn bánh trôi ngũ sắc.
Theo chị Thư - một tiểu thương bán loại bột bánh trôi gạo lứt ở Hà Nội, từ mùng 7 tháng Giêng âm lịch, chị bắt đầu bán các loại bánh trôi ngũ sắc và bánh trôi gạo lứt. Hai loại bánh trôi nước này được khách thành phố ưa chuộng, đặc biệt là bánh trôi gạo lứt rất được lòng thực khách đang phải ăn kiêng.
Thông thường, bánh trôi gạo lứt nếu được làm 100% từ gạo lứt thì chỉ có một màu nâu duy nhất. Song, bản thân là người thích màu sắc, thấy bánh một màu như vậy quá nhàm chán nên chị Thư có ý tưởng nhuộm màu cho gạo lứt để bánh trôi gạo lứt cũng có màu sắc đẹp mắt.
“Nghĩ vậy nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy rất khó. Bởi nhuộm màu cho gạo trắng thì dễ, chứ nhuộm cho gạo lứt để lên màu được thì không đơn giản chút nào. Mình phải test đi test lại rất nhiều lần và việc nhuộm màu bắt đầu khả quan hơn”, chị chia sẻ.
Tiểu thương này nói thêm, bánh trôi gạo lứt được xay từ gạo lứt và lọc cầu kỳ hơn vì vẫn còn cám. Bánh được nhuộm từ 3 màu. Đó là màu đen, đỏ, nâu. Màu đen được làm từ tinh than tre của Nhật Bản, màu đỏ được làm từ gấc, màu nâu được làm từ gạo lứt nguyên cám.
“Nguyên liệu làm bánh trôi gạo lứt đều từ tự nhiên. Nhân bánh cũng là đường thốt nốt. Chính bởi vậy, có thể nói món bánh trôi gạo lứt là cực phẩm dành cho người ăn kiêng. Loại bánh gạo lứt này ăn rất mát, không bị quá dính, thơm mùi đặc trưng của gạo lứt”, chị Thư nói.
Do quá trình làm bánh trôi gạo lứt cầu kỳ hơn hẳn bánh trôi truyền thống nên loại bánh này có giá cao hơn hẳn bánh trôi ngũ sắc, khoảng 20.000-30.000 đồng/set. “Nếu bánh trôi ngũ sắc giá 60.000-70.000 đồng/set bột thì bánh trôi gạo lứt lúc nào cũng giữ giá 100.000 đồng/set. 1 set bột bánh 600 gram, có thể làm được 60-80 viên bánh trôi. Tất nhiên, các set bột bánh này đã kèm đường và vừng”, chị Thư cho biết.
Bột bánh chia đều vào các túi, được hút chân không. Nếu bảo quản ngăn đá tủ lạnh, có thể để được 1-1,5 tháng.
“Từ khi có bột bánh trôi gạo lứt, các tín đồ của gạo nếp mà sợ béo hoặc các tín đồ ăn kiêng rất thích, nhất là những nhà có người bị tiểu đường và người đang ăn kiêng. Khách thường đặt mua vài set cấp tủ đông. Ngày Rằm tháng Giêng hoặc khi nào muốn ăn thì mang ra chế biến. Do là gạo chất lượng nên rã đông xong bột vẫn ngon, luộc lên màu vẫn tươi đẹp lắm”, chị Thư khẳng định.
Hiện trên thị trường, nhiều tiểu thương bán hàng online bắt đầu làm và bán các set bột bánh trôi gạo lứt. Dù hình thức khá giống nhau nhưng tùy vào sự khéo léo, tỉ mỉ và chất lượng nguyên liệu mà bánh trôi gạo lứt có độ thơm ngon và mức giá khác nhau. Bởi thế, người tiêu dùng nên đặt mua bánh trôi gạo lứt ở những đại lý hoặc tiểu thương uy tín để Rằm tháng Giêng có những đĩa bánh ưng ý.
Theo Thảo Nguyên/Vietnamnet
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/banh-troi-gao-lut-la-mieng-hut-khach-715339.html