"Bão Cytokine" mà Phi Nhung gặp phải là gì, nguy hiểm như thế nào với người mắc COVID-19?

29/09/2021 11:41

PLBĐ - Trong thời gian điều trị, cố ca sĩ Phi Nhung được chẩn đoán bị biến chứng nặng do COVID-19, đặc biệt bị "cơn bão Cytokine" tấn công dẫn đến suy đa cơ quan. Đây cũng là mối nguy hiểm với nhiều bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Trưa 28/9, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sau hơn 1 tháng chống chọi với COVID-19, ca sĩ Phi Nhung đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h15 cùng ngày. Theo hồ sơ bệnh án, nữ ca sĩ được chẩn đoán gặp biến chứng nặng của COVID-19, đông đặc phổi và hoại tử một phần phổi, kèm theo hội chứng "cơn bão Cytokine", suy đa cơ quan. 

Hội chứng "cơn bão Cytokine" là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt Cytokine gây viêm khiến các cơ quan nội tạng suy kiệt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các phủ tạng. Dù được điều trị ECMO và sự nỗ lực tối đa của các y bác sĩ, nhưng Phi Nhung đã không vượt qua được cơn bạo bệnh này.

Ca sĩ Phi Nhung qua đời vì COVID-19.

"Cơn bão Cytokine" trong bệnh COVID-19 là gì?

"Cơn bão Cytokine" (Cytokine storm) là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và tử vong nhanh chóng ở bệnh nhân COVID-19. Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, nhanh chóng tự nhân bản và kích hoạt các tế bào miễn dịch gửi tín hiệu cho cơ thể để chiến đấu với virus.

Nếu bệnh nhân có thể miễn dịch và sức đề kháng khỏe mạnh thì sẽ không xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc ho. Còn các bệnh nhân nhiễm COVID-19 có hệ miễn dịch yếu, hệ miễn dịch sẽ phải phản ứng liên tục và kéo dài. Khi đó, việc giải phóng quá nhiều Cytokine sẽ nhanh chóng đẩy cơ thể vào tình trạng bị kiệt sức.

Do các Cytokine tấn công vào phổi, phá vỡ các mô phổi và túi khí nhỏ chứa chất lỏng trong mô phổi bị rò rỉ. Từ đó, dẫn đến người bệnh bị viêm phổi nặng và thiếu oxy trong máu. Khi phổi bị tổn thương nặng và gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính, các cơ quan khác bắt đầu bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng suy đa tạng. 

Bệnh nhân COVID-19 bị "cơn bão Cytokine" tấn công ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng và có mối đe dọa lớn đến với tính mạng.

Triệu chứng và chẩn đoán bệnh nhân COVID-19 bị "cơn bão Cytokine" tấn công

Người bị "cơn bão Cytokine" tấn công có biểu hiện khó thở rất nặng, môi và đầu ngón chân ngón tay tím tái, há mồm ra thở, nhịp thở trên 30 lần/phút, nặng nữa thì lú lẫn hôn mê. Bão hoà oxy máu của bệnh nhân xuống thấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong. 

Chia sẻ với Tiền phong, GS.TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng (Tiểu Ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) cho biết, việc phát hiện bệnh nhân bị "cơn bão Cytokine" tấn công rất khó. Việc này đòi hỏi bác sĩ phải theo dõi bằng các xét nghiệm phản ứng miễn dịch. Từ đó, các bác sĩ biết được xu hướng miễn dịch đáp ứng viêm của bệnh nhân đang diễn biến theo xu hướng bảo vệ hay tàn phá cơ thể. Bác sĩ phải có kinh nghiệm mới có thể can thiệp kịp thời, đón trước "cơn bão Cytokine" trên bệnh nhân. 

Ngay khi phát hiện, bác sĩ phải dùng các thủ thuật đặc biệt, ví dụ như lọc máu để kéo bớt các phản ứng gây viêm. Về điều trị, có nhiều biện pháp song cơ bản là duy trì sự sống trong giai đoạn có bão Cytokine như thở máy, truyền đủ dịch, dùng thuốc, dùng kháng thể đơn dòng... Phác đồ này nhằm giảm bớt nguy cơ, yếu tố độc hại mà "cơn bão Cytokine" gây ra cho bệnh nhân.

"Cơn bão Cytokine" tấn công người trẻ, không có bệnh nền mắc COVID-19

ThS. BS Lê Văn Dẫn - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ trên báo Nhân dân, nhiều người còn chủ quan khi mắc COVID-19 khi nghĩ rằng trẻ tuổi, sức khỏe tốt. Nhưng trong đợt dịch thứ 4, đã xuất hiện các trường hợp bệnh nhân trẻ mắc COVID-19 rất nặng. Các bệnh nhân trẻ có xu hướng gặp "cơn bão Cytokine" diễn biến rất nhanh, đặc biệt là những bệnh nhân nặng lên vào ngày thứ 6.

Điển hình là bệnh nhân H.V.N (45 tuổi) vừa phải can thiệp ECMO tại Bệnh viện Thanh Nhàn. BS Dân cho hay, đây là trường hợp trẻ, không có bệnh lý nền nhưng cơ thể có những phản ứng quá mức với virus, gây ra tình trạng "cơn bão Cytokine".

Tại Bệnh viện Pháp Việt (TP. Hồ Chí Minh), nhiều trường hợp trẻ tuổi chỉ dưới 45 cũng nhanh chóng chuyển nặng vì gặp "cơn bão Cytokine". BS Nguyễn Trọng Khanh - Giám đốc Bệnh viện Pháp Việt cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận 2 vợ chồng trẻ, dưới 45 tuổi không có bệnh nền. Tuy nhiên, khi nhập viện, trường hợp người chồng chuyển nặng rất nhanh và tử vong. Sau đó người vợ cũng rơi vào tình trạng nguy kịch, phải nằm hồi sức và can thiệp ECMO.

Hiện nay, y học vẫn chưa thể lý giải được vì sao "cơn bão Cytokine" lại xuất hiện ở tất cả các độ tuổi, nhưng điều đáng nói là nó nhanh chóng làm tổn thương các trường hợp trẻ tuổi. Do vậy, người bệnh cần ý thức được mức độ quan trọng của việc theo dõi sức khỏe, sự tiến triển của bệnh, khi có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho các cơ quan y tế.

T.H (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Bão Cytokine" mà Phi Nhung gặp phải là gì, nguy hiểm như thế nào với người mắc COVID-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO