PLBĐ - Nhiều nghiên cứu cho thấy, thế giới sinh vật đang trên đà mất cân bằng và suy giảm đa dạng sinh học. Điều này sẽ gây thảm họa cho môi trường và thế hệ tương lai.
Nhằm mục đích tăng cường năng lực tiếp cận các đề tài liên quan đến hoạt động buôn bán, cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên, vừa qua, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã tổ chức Hội thảo tập huấn "Rủi ro lên hệ sinh thái và sức khỏe con người từ các hoạt động xâm hại thế giới hoang dã" cho các nhà báo trẻ các tỉnh phía Bắc tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
Trong khuôn khổ chuyến tập huấn, các nhà báo, phóng viên trẻ đã có cơ hội tìm hiểu thực tế về công tác bảo tồn, gây nuôi đối với các loài động vật hoang dã đang trên bờ vực tuyệt chủng như tê tê, rùa hộp trán vàng, cầy gấm…
Gây nuôi thương mại động vật hoang dã, tại sao không?
Tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), địa phương hiện có hơn 20 hộ nuôi thương mại các loài động vật hoang dã như nhím, hươu sao, lợn rừng…chị Phàn Thị Chung, điển hình tiên tiến lao động giỏi, vượt khó của tỉnh Hòa Bình cho biết, gia đình chị hiện đang gây nuôi thương mại hơn 20 cá thể nhím và hươu sao, cho thu hoạch hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dưỡng, chị Chung hồ hởi,
"Nuôi hươu sao và nhím tương đối đơn giản bởi thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ, lá cây, rễ và mầm cây... hơn nữa, đây là hai loài rất ít dịch bệnh nên gần như không phải mất chi phí cho các loại vắc xin hay thuốc điều trị".
Gây nuôi động vật hoang dã đang được coi như một lối đi thoát nghèo cho nhiều hộ dân.
Chu kỳ sinh sản của nhím là hai lần mỗi năm, số nhím con thường từ 2 đến 3 con một lứa. Với mỗi cặp nhím giống, gia đình chị Chung thu về trung bình khoảng 3 triệu đồng, còn nhím thành phẩm, các nhà hàng thu mua từ 200 đến 300 nghìn đồng một kg. Ngoài ra, các bộ phận khác của nhím đều có thể dùng làm thuốc trong nhiều bài thuốc đông y.
Hươu sao đem lại giá trị kinh tế cao hơn bởi lộc hươu giàu giá trị dinh dưỡng, rất được người tiêu dùng ưa thích. Giá thị trường hiện nay vào khoảng 1,5 đến 1,6 triệu đồng cho mỗi 100 gram lộc hươu, tần suất thu hoạch cao đã đem lại nguồn lợi khổng lồ cho các hộ nuôi thương mại động vật hoang dã.
Hươu sao đem lại giá trị kinh tế cao từ khai thác nguồn nhung.
Theo thống kê của PanNature, cả nước hiện có khoảng 18.000 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với trên 100 loài. Hoạt động gây nuôi động vật hoang dã Việt Nam được pháp luật ủng hộ trên cơ sở nhận định rằng hoạt động này không những giúp phát triển kinh tế mà còn hỗ trợ cho công tác bảo tồn nhờ góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư, mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể thông qua xuất khẩu, góp phần xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ cho công tác bảo tồn loài trong trong môi trường hoang dã, duy trì nguồn gen động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Trao đổi quan điểm về gây nuôi động vật hoang dã, ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc PanNature cho biết,
"Để quản lý có hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại, cần có quy định về việc xác nhận hồ sơ lâm sản có nguồn gốc nuôi phải được lập thành dữ liệu, công bố trên website, báo cáo với cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trung ương để giám sát".
Giám đốc Pan Nature cũng nhấn mạnh về vai trò của các cơ quan chức năng địa phương khi đề cập đến tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh việc các chủ nuôi đưa động vật hoang dã bất hợp pháp vào cơ sở.
Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều về việc gây nuôi thương mại động vật hoang dã nhưng không thể phủ nhận hiệu quả xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân.
Nhiều loài rùa quý hiếm đã được Việt Nam nhân giống thành công
Đoàn cũng đã ghé thăm Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC), thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đây là đơn vị được thành lập bởi tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) năm 1998, là nơi cứu hộ các loài rùa cạn và rùa nước ngọt bị buôn bán bất hợp pháp với một mức độ mạnh mẽ trong thập niên 80 và 90 của thế kỳ 20, phần lớn sang Trung Quốc để làm thuốc và thực phẩm.
Thị và vảy của Tê tê được sử dụng trong nhiều bài thuốc cổ truyền khiến chúng đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Trung tâm có diện tích 7000 m2, hiện đang nuôi dưỡng, cứu hộ hơn 1000 cá thể rùa thuộc 22 trong số 26 loài rùa bản địa tại Việt Nam. Hầu hết các cá thể này là tang vật được các cơ quan chức năng thu giữ từ các vụ buôn bán trái phép hoặc được ấp nở thành công tại trung tâm. Rất nhiều loài rùa quý hiếm trên bờ vực tuyệt chủng đã được TCC nuôi dưỡng, nhân giống thành công như rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons), rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti), rùa sa nhân (Cuora mouhotii), rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata)…
Orlitia borneensi thuộc loài rùa khổng lồ Malaysia, hiện đang được TCC bảo tồn.
Theo đại diện của TCC, nguồn lực còn hạn chế là trở ngại lớn nhất hoạt động của trung tâm. Do đó, TCC ưu tiên nhân nuôi bảo tồn các loài rùa bản địa tại Cúc Phương như loài rùa sa nhân. Các cá thể rùa tại đây, nếu thuộc cùng một loài, được nuôi trong chuồng nuôi rộng và các trứng được tìm thấy trong các chuồng nuôi này sẽ được ấp nở.
Năm 2010, một phần của trung tâm được mở cho khách thăm quan và hàng năm đã đón tiếp khoảng 80.000 khách du lịch. Đây là một phần trong sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Những hạn chế về nguồn lực đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của TCC.
Khu trưng bày (VIC) bao gồm phòng trưng bày ấp trứng, bể trưng bày, ao và khu chuồng nuôi ngoài trời mà cho phép khách du lịch quan sát các cá thể rùa trong sinh cảnh tự nhiên của chúng. Các bảng hướng dẫn và ảnh minh họa tại đây đã góp phần giáo dục khách tham quan, học sinh, sinh viên, kiểm lâm viên và các quan chức phụ trách bảo tồn về sự đa dạng và mức độ bị đe dọa của các loài rùa Việt Nam. Đây là ưu tiên trong tâm của TCC nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc bảo vệ động vật hoang dã, tạo ra bước khởi đầu quan trọng trong công tác bảo vệ các loài rùa và rùa nước ngọt tại Việt Nam.
Sau nhiều năm hoạt động, TCC đã trở thành đơn vị tiên phòng trong khu vực Đông Nam Á, nổi bật với các nỗ lực bảo tồn rùa cạn và rùa nước ngọt cũng như các chiến dịch nâng cao ý thức cộng đồng về các nguy cơ đe dọa đối với sự tồn tại của các loài rùa tại Việt Nam.
PV