9h sáng nay, tâm bão vẫn còn cách đất liền khoảng 120 km, nhưng đĩa mây đã xâm lấn ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng gây mưa to, gió quật cây nghiêng ngả.
Nhiệt độ ngoài trời ở huyện Vân Đồn giảm 3 độ so với sáng sớm, còn 26 độ. Gió thổi liên tục thành từng cơn rất mạnh kèm theo các đợt mưa xối xả. Mỗi cơn gió lại giật đổ hoặc vặn gãy nhiều cành cây ven các tuyến phố ở thị trấn Cái Rồng.
Trên các tuyến đường chỉ còn một số ít phương tiện qua lại, song di chuyển khó khăn. Người dân đa phần ở trong nhà theo khuyến cáo của chính quyền địa phương, chỉ có lao công, bộ phận thu dọn cây xanh ra đường làm việc. Để chống chọi với bão, nhiều nhà đặt các chậu cây cảnh chèn cửa cuốn nhằm tránh bị gió cuốn bay.
Gió mạnh ở Đồ Sơn. Ảnh: Lê Tân
Cây đổ ở Đồ Sơn. Ảnh: Lê Tân
Nhiều cầu lớn như Cầu Bính, cầu Tân Vũ, cầu Hoàng Văn Thụ ở Hải Phòng đã cấm xe qua lại. Ảnh: Lê Tân
Đường phố quận Đồ Sơn vắng tanh, chỉ có một vài ôtô qua lại. Trên biển trời mù, sóng xô vào bờ kè cao khoảng một mét. Gió chưa mạnh, mưa bắt đầu nặng hạt.
Video: Lê Tân - Văn Phú
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết bão đang mạnh cấp 14, giật cấp 17, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 130 km. Chiều nay, bão sẽ đi vào đất liền và gây gió mạnh cấp 10-12 tại Quảng Ninh - Hải Phòng, gió cấp 8-10 tại Nam Định, Thái Bình và các khu vực sâu hơn như Lạng Sơn, Bắc Giang.
Cơn bão Yagi rất mạnh, hoàn lưu rộng, nên từ chiều và tối nay Hà Nội có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10. Cùng với gió giật mạnh thì Hà Nội có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn với lượng mưa 150-350 mm. Gió mạnh có khả năng làm đổ cây, biển quảng cáo bay như cơn giông lốc chiều qua nên người dân lưu ý không nên ra khỏi nhà.
Trên cầu Bãi Cháy đã có gió mạnh cấp 6-7. Lực lượng chức năng đã cấm xe máy từ 8h và bố trí ôtô tải chở người và xe máy qua cầu.
Tương tự, các cầu lớn ven biển Hạ Long, Tân Vũ - Lạch Huyện dừng khai thác khi bão vào đất liền, sức gió vượt quy trình khai thác, hoặc khi cần bảo đảm an toàn cho xe máy, ôtô.
Biển cấm xe máy lên cầu Bãi Cháy. Ảnh: Lê Tân
Các tuyến đường tại Quảng Ninh vẫn lưu thông bình thường, riêng một số đoạn trên đường bao biển cây bị đổ, đang được cắt dọn.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đã dừng khai thác phà, đò ngang, đò dọc trên sông để phòng, tránh bão.
Là nơi tâm bão đi qua, thị trấn Cái Rồng, huyện đảo Vân Đồn đang có gió giật, mưa từng cơn. Một số cây xanh ven đường bị gió vặn gãy.
Video: Huy Mạnh
Là đảo xa nhất vịnh Bắc Bộ, cách đất liền 110 km, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đang có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Thượng tá Vũ Sơn Hà, Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), cho biết mưa mù mịt, gió thổi hàng cây dừa trước cửa đồn nghiêng về một phía.
Hàng dừa trước cửa đồn biên phòng trên đảo Bạch Long Vĩ nghiêng ngả trong bão. Video: Vũ Sơn Hà
Tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh), chị Thu Báu cho biết gió lớn làm rung chuyển cả xe 1,6 tấn, thổi đổ nhiều cây cối, đồ đạc. Cơ quan khí tượng ghi nhận sức gió ở đảo này cấp 7, nhưng giật cấp 11. Chính quyền đã vận động người dân trên biển về nơi ở chắc chắn.
Gió mạnh thổi bay một ki-ốt trên đảo Cô Tô ra giữa đường. Ảnh: Thu Báu
Đêm 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần thứ ba gửi công điện đến 25 tỉnh thành phía Bắc và 10 bộ ngành, yêu cầu quyết liệt phòng chống bão Yagi, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.
Với ven biển và đất liền, Thủ tướng yêu cầu chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
"Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn", Thủ tướng chỉ đạo.
Với miền núi, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Các địa phương kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên trục chính.
Được hình thành ngày 1/9 từ vùng áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Phillippines, bão Yagi đã vượt qua đảo Luzon vào Biển Đông rạng sáng 3/9, trở thành cơn bão thứ ba trên vùng biển này. Bão khi mới vào chỉ cấp 8, sức gió tối đa 74 km/h.
Đến ngày 5/9, khi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 500 km, bão đã tăng 8 cấp thành siêu bão và duy trì sức mạnh cho tới đêm 6/9. Vào vịnh Bắc Bộ, bão giảm còn cấp 14, giật cấp 17.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đánh giá Yagi có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông. Các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ.