Cà chua rất phổ biến trong mâm cơm, làm món ăn thêm ngon miệng. Nhưng khi thấy quả cà chua đỏ tươi mọc mầm thì có người khoét đi rồi ăn, có người vứt bỏ...
Không ít người đã giật mình vì lần đầu thấy quả cà chua đỏ tươi qua một đêm bỗng mọc mầm xanh lè. Đa số ngần ngại không biết có nên ăn hay không. Có người cho rằng, cà chua mọc mầm chưa chuyển màu, chưa có mùi khó chịu thì chỉ bị giảm bớt dưỡng chất vitamin C, K, chất xơ... nên chỉ cần loại bỏ phần mầm và xung quanh 1-2cm là vẫn ăn được.
Theo đó, họ xử lý cà chua mọc mầm bằng cách:
- Rửa sạch cà chua để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu mầm hơi nhú thì cắt bỏ phần mọc mầm và các khu vực xung quanh để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc.
- Gọt sạch vỏ cà chua – nhất là chỗ có màu xanh, hoặc trắng, các chỗ bị đổi màu và xung quanh ít nhất 1 cm để loại bỏ các hợp chất có hại có thể tích tụ trên bề mặt.
Sau đó luộc, hoặc hấp cà chua để loại bỏ các chất độc hại, vi khuẩn – nhất là hàm lượng solanine - chất độc tự nhiên còn sót lại. Sau đó, chế biến thành món ăn, món sốt cà chua để cho vào các món ăn khác thêm ngon.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cà chua mọc mầm có thể tăng thêm một số dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Ví như, một số enzyme chỉ sinh ra trong cà chua mọc mầm có thể giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Hay chất chống oxy hóa trong cà chua mọc mầm có thể giúp giảm quá trình lão hóa, bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các gốc tự do.
Đồng thời, phần lớn cho rằng cà chua đã mọc mầm dài, có màu xanh đậm, hay có dấu hiệu hư hỏng, tốt nhất nên bỏ đi cho lành. Họ cho rằng, tác hại của cà chua mọc mầm có thể như các thứ củ quả mọc mầm khác nên không ăn.
Thực tế, cà chua mọc mầm có vị đắng, chất lượng kém hơn nên ảnh hưởng đến hương vị của món ăn. Vì thế, nhiều người bỏ luôn quả cà chua mọc mầm, bởi sợ hàm lượng solanine - chất độc tự nhiên và một số hợp chất sinh ra khi cà chua mọc mầm có thể tăng lên, sẽ không tốt cho sức khỏe. Có thể khiến người ăn nhiều cà chua mọc mầm bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, và thậm chí ngộ độc - đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người đau yếu, hoặc có vấn đề về dạ dày.
Về cà chua mọc mầm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (chuyên gia Công nghệ thực phẩm) cho rằng, cà chua mọc mầm có thể xảy ra sau khi thu hái bảo quản không tốt nên sắp thối hỏng. Hoặc do người dân mua quá nhiều cà chua, bảo quản không tốt dẫn tới cà chua bị hỏng. Khi cà chua sắp hỏng, hạt cà chua bị tiêu hủy màng nhầy, kích thích hạt khiến nó nảy mầm.
Nảy mầm là dấu hiệu cà chua hư hỏng, ăn không còn ngon như cà chua tươi - chứ nó không sinh độc tố (như thịt cá... hư hỏng). Vì vậy, nếu tiết kiệm thì vẫn ăn được như rau, tuy hương vị không ngon (như các loại hạt đỗ nảy mầm vẫn ăn tốt, hạt lúa nảy mầm giàu enzym được dùng làm mạch nha...). Vì thế, người dân có thể ăn như rau.
Nhưng thực tế, cà chua có quanh năm, giá rẻ, rất dễ mua, hoặc chế biến thành tương cà để dành ăn quanh năm. Nhưng không nên mua dự trữ quá nhiều vì cách bảo quản trong gia đình không cao. Mặt khác, nếu có quá nhiều cà chua, ăn không xuể để nó mọc mầm thì rất lãng phí.
Cà chua cần để trong rổ, hoặc hộp có lỗ thông hơi và giữ ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp để ngăn ngừa hiện tượng cà chua nảy mầm. Cũng có thể gói cà chua trong giấy báo, giấy bọc thực phẩm để hút ẩm và giảm nguy cơ mọc mầm.
Không nên dùng túi nilon, túi nhựa kín giữ cà chua vì có thể giữ ẩm, khiến cà chua bị ẩm mốc, và thúc đẩy quá trình mọc mầm. Nên kiểm tra thường xuyên để phát hiện và xử lý sớm cà chua có dấu hiệu mọc mầm, mốc hỏng.
Nếu dùng cà chua trong vài ngày thì không cần trữ trong tủ lạnh. Tủ lạnh tuy giúp bảo quản cà chua chín tươi lâu hơn, nhưng cũng chỉ nên giữ trong thời gian ngắn.
Không để cà chua tiếp xúc với những thứ quả khác, bởi cà chua có thể tỏa ra khí ethylene khiến các loại quả dễ nhạy cảm với khí này (như táo, chuối, khoai tây…) dễ chín và mọc mầm hơn.
- Chọn những quả cà chua tươi ngon để ăn sẽ an toàn cho sức khỏe.
- Nếu có quá nhiều cà chua cần bảo quản thì năng kiểm tra để phát hiện sớm các dấu hiệu mốc, mọc mầm, hư hỏng... để loại bỏ ngay nhằm không ảnh hưởng tới những quả khác.
Bảo quản cà chua đúng cách, giữ được các giá trị dinh dưỡng của cà chua, giúp bữa ăn ngon và đảm bảo sức khỏe cho người thân, đảm bảo sức khỏe cho gia đình.
- Chỉ ăn cà chua khi đã chín đỏ hoàn toàn. Chọn những quả cà chua tươi ngon có màu đỏ tươi, không bị nhăn héo, thâm, nứt, hư hỏng – vì như thế có thể bị thúc đẩy quá trình mọc mầm.
- Trước khi chế biến cà chua làm món ăn nên kiểm tra kỹ, nếu thấy quả cà chua có dấu hiệu nấm mốc trắng, hay mọc mầm xanh, giập nát thì nên loại bỏ để tránh đưa những hợp chất không tốt vào cơ thể.
Nếu nhiều cà chua chín đỏ, hoặc mùa cà chua rộ và rẻ có thể chế biến thành sốt cà chua, nước ép để tránh lãng phí. Nước sốt cà chua bảo quản được lâu, cho vào món ăn giúp món ăn thêm ngon, đậm đà, hương vị thơm, hấp dẫn.
Sau đây là một trong những món ngon khi dùng sốt cà chua:
Cá ngon 1 miếng
Cà chua 2 quả
Tỏi 1 củ, hành khô 2 củ, gừng 1 nhánh, ớt tươi vừa ăn, hành lá và thìa là vừa đủ.
Sơ chế cá sạch.
Cà chua rửa sạch, thái múi cau.
Hành lá cắt khúc. Hành khô bóc vỏ, đập giập, băm nhỏ. Gừng nạo vỏ, thái sợi.
Đun sôi dầu/mỡ, thả miếng cá vào rán qua. Lật cá cho chín có màu vàng nhạt cả 2 mặt thì bắc xuống.
Phi thơm hành khô, rồi đổ cà chua vào xào chín thì cho cá rán vào. Nêm nếm gia vị rồi đun tiếp trên lửa nhỏ. Khi cá chín mềm thì nêm nếm lại cho vừa ăn, thêm 1/2 thìa hạt tiêu nữa rồi bắc xuống. Trút món cá sốt cà chua ra đĩa, rưới nước sốt cà chua phủ lên trên.
Miếng cá vàng sậm, sốt cà chua màu đỏ cam đẹp mắt, điểm màu xanh tươi mát của hành lá. Ăn miếng cá sốt cà chua rất thơm ngon, đậm vị, siêu ngon và rất tốn cơm.