Từng có tiền sử viêm loét dạ dày nhưng lại thường xuyên ăn đồ chua cay, bé 15 tuổi ở Hải Phòng đã bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày
Trước khi được đưa vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, em N.T.L. (15 tuổi, quê Hải Phòng) xuất hiện tình trạng đau bụng dữ dội vùng trên rốn trong 3 giờ. Điều tra bệnh sử, nam sinh từng phát hiện có viêm loét dạ dày cách đây 8 tháng và thường xuyên ăn đồ chua cay.
Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức, làm xét nghiệm siêu âm bụng, chụp X-quang. Tuy nhiên, đây là trường hợp thủng dạ dày bít lại, nên phim X-quang bụng không có hình ảnh liềm hơi đặc trưng cho thủng dạ dày, song qua thăm khám bác sĩ Ngoại vẫn nghĩ đến tình trạng bụng ngoại khoa. Bệnh nhân được chụp CT-scanner ổ bụng, kết quả được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày, có chỉ định mổ cấp cứu nội soi khâu lỗ thủng.
Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ phát hiện ổ bụng L chứa nhiều dịch mủ bẩn, dịch tiêu hóa, phát hiện 1 lỗ thủng mặt trước môn vị dạ dày. Bệnh nhân đã được khâu đóng lỗ thủng, làm sạch ổ bụng.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Toàn - Khoa Ngoại Tổng hợp, hiện nay tình trạng thủng ổ loét dạ dày – tá tràng đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh do thói quen ăn uống thiếu khoa học (ăn nhiều đồ chua, cay, nóng, đồ ăn nhanh… áp lực trong học tập, thức khuya, stress…). Đây là một tình trạng cấp cứu cần phải xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật nội soi cho kết quả tốt, hồi phục nhanh, thẩm mỹ, nếu phát hiện muộn sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Qua trường hợp trên, các sỹ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện đau bụng vùng dưới mũi ức (trên rốn), gia đình cần sớm đưa các cháu đến khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cơn đau ở vị trí vùng bụng bên trái, thường liên quan đến lách, tuyến tụy và thận trái. Vị trí này bị đau liên quan đến các bệnh lý đi kèm như: lách to, viêm thận bể thận, sỏi thận, sỏi tiết niệu, nhiễm trùng đại tràng xuống, nhiễm trùng đường ruột…
Bụng đau bên phải liên quan đến các cơ quan gan, túi mật, ống dẫn mật, đại tràng lên, thận phải. Những bệnh lý liên quan như viêm gan, sỏi mật, viêm túi mật, ung thư túi mật, ung thư gan, ung thư ống mật, sỏi và hẹp đường mật. Hoặc cũng có thể một vấn đề liên quan đến đại tràng lên, thận phải như: sỏi thận, sỏi tiết niệu, viêm thận bể thận…
Đau vùng bụng trên rốn liên quan đến các cơ quan dạ dày, gan trái, tim, đại tràng ngang, tụy. Nếu cơn đau đến từng cơn quằn quại, dữ dội có thể do ngộ độc thực phẩm, viêm loét dạ dày, viêm tụy cấp. Cơn đau này thường đi kèm với tình trạng xanh xao, mệt mỏi, nôn mửa nhiều.
Vị trí dưới rốn chủ yếu là ruột non, đại tràng. Đau bụng dưới rất có thể liên đến các bệnh về tiêu hóa, niệu quản, buồng trứng và tử cung. Các bệnh lý liên quan như: hội chứng ruột kích thích, viêm ruột (viêm loét đại tràng), tắc ruột, ung thư ruột non, phình động mạch chủ bụng, viêm phúc mạc. Nếu cơn đau xuất phát từ các cơ quan vùng chậu có thể do lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, bệnh viêm vùng chậu, có thai ngoài tử cung, ung thư tử cung.
Để phòng ngừa đau bụng liên quan đến tiêu hóa, cần xây dựng lối sống lành mạnh: ăn uống đủ chất, chọn lựa thức ăn kỹ càng, vệ sinh, nhai kỹ, tăng cường rau xanh, trái cây, uống đủ nước (2-2,5 lít nước/ngày), bổ sung các thực phẩm chứa men vi sinh có lợi cho đường ruột (sữa chua, kim chi, dưa muối…). Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, kiểm soát stress...
Bên cạnh chế độ ăn uống, nên duy trì chế độ tập luyện (150 phút/tuần) giúp tăng cường trao đổi chất và khả năng miễn dịch của cơ thể; hạn chế sử dụng các đồ uống có cồn, đồ ăn cay nóng, nói không với thuốc lá; tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ.
Ngoài ra, cần thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện bệnh lý (nếu có).