Theo lời kể của người nhà bé gái 5 tuổi (ở Phú Thọ) nhiễm cúm A (H5), khoảng một tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đề nghị ngành y tế Phú Thọ tăng cường công tác phòng, chống cúm
Liên quan đến ca mắc cúm A(H5) ghi nhận trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là bé gái 5 tuổi có ăn thịt ngan, gà ốm, để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã gửi Công văn 1164/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh với một số nội dung trọng tâm, như:
Tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường giám sát phát hiện ổ dịch mới ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu tỉnh Phú Thọ sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.
Cùng đó, thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.
Trước đó, thông tin tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 diễn ra ngày 20/10 , TS. Nguyễn Lương Tâm – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 17/10/2022, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5) từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nữ 5 tuổi (ở Phú Thọ).
Đây là ca bệnh cúm A(H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A(H5).
Về ca bệnh này, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương cùng điều tra dịch tễ.
Đội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A(H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương; rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch. Đồng thời phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng.
Cùng đó, tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao…
Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Hiện, bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, đang nằm điều trị tại Khoa điều trị tích cực nội, Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp/Sốc nhiễm khuẩn/Suy đa tạng/Cúm A/H5.
Thái Bình