PLBĐ - Hiện chưa có thuốc đặc trị COVID-19, nên việc tiêm vaccine vẫn là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Nhiều bệnh nhân ung thư băn khoăn vaccine COVID-19 có an toàn với họ và nên chọn tiêm loại nào?
Ung thư được Bộ Y tế xếp vào danh mục các bệnh nền có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao nhất và gia tăng mức độ nặng khi mắc phải. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác là nguy hiểm nhất với COVID-19. Vì vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh nhân ung thư/đã từng mắc ung thư nên thực hiện 5K, tiêm vaccine, tăng cường dinh dưỡng, sức khỏe... để giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.
Với biện pháp tiêm vaccine phòng COVID-19, nhiều bệnh nhân ung thư đang tự hỏi liệu vaccine có an toàn với họ? Người bệnh nên lựa chọn loại vaccine nào?
Giải đáp những thắc mắc trên, trao đổi với Dân trí, PGS. TS Đào Xuân Cơ - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam khẳng định: "Những người mắc ung thư, đang điều trị ổn định nên tiêm vaccine COVID-19. Bởi đây là nhóm bệnh nhân dễ bị diễn biến nặng nhất khi COVID-19 tấn công. Khi mắc COVID-19, người mang sẵn bệnh nền dễ diễn biến nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng".
Theo TS. Đào Xuân Cơ, những loại vaccine COVID-19 đã được cơ quan chức năng cấp phép, lưu hành đều an toàn. Vì thế, người bệnh ung thư có thể được chỉ định tiêm bất cứ loại vaccine nào trong các loại đang được lưu hành tại Việt Nam.
Cùng quan điểm trên, chia sẻ với VnEpress, PGS. TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân ung thư là đối tượng nhạy cảm với COVID-19. Người bệnh ung thư có hệ miễn dịch yếu, cần ưu tiên tiêm chủng sớm, kể cả người đang xạ trị hoặc hóa trị.
Theo TS. Phương, việc lựa chọn vaccine cho bệnh nhân ung thư là không cần thiết. Tất cả vaccine hiện đang được cấp phép tại Việt Nam đều có thể tiêm chủng được. Mỗi loại đều có hiệu lực bảo vệ và phản ứng phụ có thể xảy ra. Đến nay, không có nghiên cứu nào cho thấy ở bệnh nhân ung thư thì phải chọn dùng vaccine loại nào, cũng như không thấy tỉ lệ phản ứng phụ cao hơn.
"Do đó người bệnh hoàn toàn yên tâm khi được mời đi tiêm chủng, không cần chọn. Có loại vaccine nào dùng loại đó cho mũi một cũng như mũi hai theo khuyến cáo của Bộ Y tế", PGS. TS. Phạm Cẩm Phương nói.
Tiến sĩ cho biết thêm, các phản ứng sau tiêm vaccine ở bệnh nhân ung thư cũng giống như các đối tượng khác như: đau tại nơi tiêm, sốt, mẩn đỏ tại vùng tiêm, sưng tấy tại vùng tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa trên da, phát ban... Điều này có thể làm chậm chu kỳ hóa trị tiếp theo khoảng vài ngày nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị bệnh.
Vì vậy, những bệnh nhân ung thư đang điều trị ổn định hoàn toàn có thể yên tâm khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Bệnh nhân cũng sẽ được các bác sĩ khám sàng lọc, tư vấn theo dõi sau tiêm vaccine.
Với người bệnh cần đi khám ung thư trong mùa dịch và cả những bệnh nhân đang điều trị, các bác sĩ khuyến cáo:
- Tránh tiếp xúc với nguồn lây, tránh đến nơi đông người.
- Chủ động đeo khẩu trang khi đến bệnh viện và những nơi đông người.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước (trong 20 giây) hoặc bằng dung dịch vệ sinh tay khô có ít nhất 60% cồn.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng.
- Sử dụng khăn giấy nếu ho hoặc hắt hơi. Sau đó bỏ khăn giấy đi.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
- Làm sạch các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào như: tay nắm cửa, quầy hàng, nhà vệ sinh, bàn phím, máy tính bảng, điện thoại…
Cùng với đó, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng tích cực để duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch vừa điều trị bệnh ung thư vừa phòng ngừa dịch bệnh.
T.H (th)